Nghiên cứu cải thiện hiện tượng đục nước ở vùng biển Đồ Sơn

Nước ở vùng biển Đồ Sơn đang bị đục và gia tăng ô nhiễm, độ trong của nước biển ở khu vực này chỉ đạt 0.3 m, thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn về độ đục của nước biển
Nghiên cứu cải thiện hiện tượng đục nước ở vùng biển Đồ Sơn ảnh 1Thanh niên, học sinh dọn dẹp vệ sinh tại bãi biển Đồ Sơn. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Với đường bờ biển dài trên 125 km, Hải Phòng là một trong những địa phương có nhiều bãi tắm đẹp được du khách biết đến như Cát Bà, Đồ Sơn… thuận lợi cho phát triển dịch vụ du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hải Phòng.

​Tuy nhiên, nước ở vùng biển Đồ Sơn đang bị đục và gia tăng ô nhiễm, độ trong của nước biển ở khu vực này chỉ đạt 0.3 m, thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn về độ đục của nước biển, chính điều này đã gây ra những tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội trong khu vực.

Để cải thiện hiện tượng đục nước ở vùng biển Đồ Sơn, Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia về Động lực học sông biển – Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã thực hiện đề tài nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện hiện tượng đục nước ở vùng biển Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Đề tài do Thạc sĩ Hồ Việt Cường làm chủ nhiệm.

Đây là đề tài mang mã số KC.08.34/11-15, là một trong số các đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KC.08 "Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên."

Đề tài nghiên cứu nhằm xác định các nguyên nhân gây đục nước tại vùng biển Đồ Sơn và cơ chế tác động theo không gian và thời gian, từ đó đưa ra các giải pháp khoa học công nghệ khả thi nhằm cải thiện hiện trạng, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Tại hội nghị tổng kết Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KC.08, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đánh giá kết quả của chương trình đã có những đóng góp mới về lý luận cũng như thực tiễn trong chiến lược phòng, tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên của nước ta. Đồng thời, các nghiên cứu của chương trình trong việc đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo thêm việc làm, tăng doanh thu, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khoẻ cho cộng đồng... góp phần quan trọng vào sự phát triển nhiều ngành kinh tế trong công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

Đề tài cải thiện hiện tượng đục nước ở vùng biển Đồ Sơn đã đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng nước biển Đồ Sơn, tính toán mô phỏng về chế độ thủy động lực, vận chuyển bùn cát trong vùng nghiên cứu có xem xét đến ảnh hưởng của các công trình nhân tạo và các hoạt động của con người trên mô hình toán 1D, 2D, 3D, công nghệ viễn thám, hệ thống thông tin địa lý GIS… để làm rõ nguyên nhân gây gây đục nước. Sau khi xác định được nguyên nhân, đề tài đã đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ phù hợp với thiết kế, kết cấu giải pháp công trình, lập hồ sơ, có kiểm chứng và đánh giá hiệu quả kỹ thuật của giải pháp công trình đề xuất trên mô hình toán và thí nghiệm mô hình vật lý.

Thạc sĩ Hồ Việt Cường nhấn mạnh: Vấn đề nước đục ở vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng là vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa thực tiễn cao. Sau hai năm thực hiện, nhóm thực hiện đề tài đã nỗ lực nghiên cứu, áp dụng nhiều phương pháp, công cụ nghiên cứu để triển khai thực hiện các nội dung của đề tài, bám sát mục tiêu đề ra.

Các kết quả nghiên cứu của đề tài đã đánh giá được chất lượng nước biển Đồ Sơn, xác định được các nguyên nhân, cơ chế chính gây đục nước và định hướng các giải pháp công trình để cải thiện tình trạng nước đục ở vùng biển này. Nhưng việc thực hiện các giải pháp công trình ngoài vùng biển để đồng bộ là rất khó và đòi hỏi kinh phí lớn. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện đề tài đã có 2 giải pháp hữu ích đăng ký thành công và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục