Nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây sản xuất quanh năm tại Đà Lạt

Sở Khoa học-Công nghệ Lâm Đồng vừa nghiệm thu công trình Nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh mốc sương có thể sản xuất quanh năm tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Người dân thu hoạch khoai tây. (Ảnh minh họa: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)
Người dân thu hoạch khoai tây. (Ảnh minh họa: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết vừa nghiệm thu công trình khoa học Nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh mốc sương có thể sản xuất quanh năm tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận.

Sau 3 năm nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã nghiên cứu chọn tạo, trồng thử nghiệm thành công giống khoai tây TK15.80 có khả năng đề kháng các loại bệnh mốc sương, héo rũ và tăng năng suất từ 20-25% so với các giống khoai tây thông thường, có hình dạng đẹp, chất lượng tốt.

Giống khoai tây này có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, ổn định, trung bình khảo nghiệm cơ bản trong 3 vụ tại Lâm Đồng đạt 27,7 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng 17,1%; trung bình khảo nghiệm sản xuất trong 2 vụ đạt 25,4 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng 19,6%. Doanh thu đạt trên 254 triệu đồng, lợi nhuận đạt 146 triệu đồng/ha, cao hơn giống đối chứng 39,8%. 

[Vĩnh Phúc hỗ trợ nông dân ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất]

Khoai tây TK15.80 khá phù hợp với điều kiện sản xuất tại Lâm Đồng với tiềm năng năng suất cao, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và chế biến.

Tuy nhiên, khoai tây vẫn chỉ được tập trung sản xuất trong mùa khô (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau) do bệnh hại khá lớn, nhất là bệnh mốc sương. Sản xuất khoai tây vào mùa mưa phải đầu tư lớn để kiểm soát bệnh, rủi ro cao.

Từ yêu cầu thực tiễn sản xuất đặt ra, việc nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh mốc sương có thể sản xuất quanh năm tại Đà Lạt và vùng phụ cận là rất cần thiết, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, có thể trồng trong thời gian mùa mưa (từ tháng 6-12).

Lâm Đồng là vùng sản xuất khoai tây lớn thứ 2 của cả nước (sau vùng Đồng bằng Sông Hồng) với diện tích từ 1.200-1.500ha, năng suất trung bình 17-18 tấn/ha.

Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao giống mới này, có giá trị ứng dụng, khả năng nhân rộng lớn, được nông dân đón nhận.

Hội đồng khoa học đánh giá đề tài có tính khả thi cao và phù hợp với nhu cầu sản xuất thực tế của nông dân. Hiện giống khoai tây TK15.80 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận sản xuất thử từ tháng 12/2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục