Lai giống "cụ" George

Nghiên cứu lai giống rùa "chàng George cô đơn"

Loài rùa đất Geochelone Abingdoni có thể tránh nguy cơ tuyệt chủng, mặc dù cá thể cuối cùng của loài này đã qua đời cách đây gần nửa năm.
Loài rùa đất Geochelone Abingdoni có thể tránh được nguy cơ tuyệt chủng, mặc dù cá thể cuối cùng của loài rùa này là "cụ" rùa George đã qua đời cách đây gần nửa năm.

Đây là khẳng định của các nhà khoa học đưa ra ngày 22/11, sau khi tiến hành các nghiên cứu về bộ gen trong nỗ lực duy trì nòi giống của loài rùa khổng lồ này.

Các nhà khoa học tại Vườn Quốc gia Galápagos của Ecuador và trường Đại học Yale (Mỹ) đã thu thập mẫu DNA của 1.600 loài rùa khổng lồ sinh sống ở khu vực núi lửa Wolf và tìm được ít nhất 17 cá thể rùa trong số này là rùa lai, tức là có cha hoặc mẹ cùng họ với "cụ" George.

Theo các nhà khoa học, 17 cá thể rùa này, hiện sống trên đảo Isabela - cách đảo Pinta nơi "cụ" George ra đời khoảng 60km, có hình dáng gần giống với "cụ" George, đặc biệt là phần mai rùa.

Các cá thể rùa này đã được đưa đến trung tâm gây giống thuộc Vườn Quốc gia Galápagos. Dự kiến, sau khoảng 2-3 thế hệ được lai giống, các nhà khoa học sẽ có được những chú rùa mang nòi giống thuần chủng của "cụ" George.

Loài rùa đất Geochelone Abingdoni có thể sống tới hơn 200 năm. Trên quần đảo Galápagos hiện có hơn 500.000 loài rùa khác nhau đang sinh sống.

"Cụ" George - còn có biệt danh "Chàng George cô đơn," nặng 88kg, qua đời ngày 24/6 vừa qua và "hưởng thọ" khoảng 100 tuổi, thuộc một trong 14 loài rùa khổng lồ trên quần đảo Galápagos.

Ba trong số loài trên đã tuyệt chủng trong những thập kỷ qua do sự săn bắt của con người để lấy thịt và do phải cạnh tranh nguồn thức ăn với loài dê được đưa vào vùng này từ những năm 1950 của thế kỷ trước.

Các nhà khoa học đã tìm một số bạn tình, là những "cô" rùa khác loài, với hy vọng duy trì nòi giống cho "cụ," song những nỗ lực trên không mang lại kết quả. Theo họ, nguyên nhân có thể là do dòng giống quá xa nhau hoặc cũng có thể do cụ mắc chứng vô sinh.

Nỗ lực duy trì nòi giống cho "cụ" George đã thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học thế giới và biến "cụ" trở thành biểu tượng của Galápagos - nơi nhà sinh học lỗi lạc Charles Darwin đã nghiên cứu những loài rùa khổng lồ này để phát triển thuyết tiến hóa vào thế kỷ 19.

Được đưa vào Sách kỷ lục Guinness như là "sinh vật sống cô đơn nhất trên thế giới," "cụ" rùa George ra đời đầu thế kỷ trước tại đảo Pinta thuộc quần đảo Galápagos ngoài khơi Ecuador.

Năm 1972, khi các nhà khoa học đã coi loài rùa này bị tuyệt chủng, "cụ" được phát hiện và được đưa về chăm sóc, theo dõi tại Trạm Nghiên cứu Charles Darwin thuộc Vườn Quốc gia Galápagos./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục