Nghiên cứu tác động của thủy điện trên sông Mekong

Bộ trưởng tài nguyên hai nước Việt Nam, Campuchia ký hợp tác nghiên cứu chung về tác động của thủy điện tới dòng chính sông Mekong.
Chiều 3/7, tại Phnom Penh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang và Bộ trưởng Bộ trưởng Tài nguyên nước và Khí tượng Campuchia Lim Kean Hor đã ký Bản ghi nhớ về việc cùng thực hiện Nghiên cứu tác động thủy điện dòng chính sông Mekong tới Châu thổ Mekong của Việt Nam và Campuchia.

Hai bên thỏa thuận mục tiêu cùng tiến hành một nghiên cứu về tác động của phát triển thủy điện dòng chính sông Mekong và các loại hình phát triển khác ở thượng nguồn tới vùng Châu thổ Mekong của Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam bao gồm cả các ảnh hưởng tới vùng châu thổ và chế độ dòng chảy Biển Hồ của Campuchia.

Mục đích của nghiên cứu là một đánh giá tổng hợp về môi trường, kinh tế và xã hội các tác động của các đập thủy điện dòng chính sông Mekong tới các hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội vùng Châu thổ Mekong. Đề cương của Nghiên cứu sẽ được thảo luận và nhất trí sau.

Hai bên đồng ý mời Lào cùng tham gia thực hiện nghiên cứu.
 
Việc tổ chức thực hiện được hai bên nhất trí Nghiên cứu là một quá trình đánh giá với sự tham gia rộng rãi nhất từ các bên tham gia ở các cấp tỉnh, quốc gia và khu vực trong các cộng đồng cơ quan chính phủ, tổ chức xã hội và giới nghiên cứu khoa học thông qua các hội thảo, nhóm công tác và một chiến lược tuyên truyền rộng rãi cho các kết quả nghiên cứu.
 
Nghiên cứu sẽ dựa vào các nhóm công tác ở các cấp, bao gồm ban chỉ đạo dự án, nhóm tư vấn kỹ thuật, nhóm tư vấn quốc tế và các tư vấn phụ. Thêm vào đó, nhóm tư vấn quốc tế sẽ xác định và xác lập các kênh hợp tác với các quốc gia trong khu vực sông Mekong nhằm thúc đẩy chia sẽ số liệu và kết quả giữa các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong quốc tế.
 
Trả lời phóng viên TTXVN tại Campuchia, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng việc hai nước Việt Nam, Campuchia nhất trí về việc nghiên cứu chung thể hiện nhận thức tầm quan trọng của việc tăng cường và đẩy mạnh hợp tác và phối hợp phát triên và quản lý tài nguyên nước trong các lĩnh vực cần chia sẽ lợi ích giữa Việt Nam và Campuchia; cũng như ý thức được tầm quan trọng yêu cần cần hiểu hở các tác động của phát triển thủy điện dòng chính chính sông Mekong và các loại hình phát triển khác ở thượng ngườn tới vùng Châu thổ Mekong của Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
 
Bộ trưởng cho biết việc tiến hành nghiên cứu chung nhằm thực hiện thỏa thuận mới đây giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen về sự cần thiết tiến hành một nghiêu cứu với các đánh giá về khoa học và kỹ thuật một cách tổng thể và sâu sắc và các phân tích hỗ trợ để giúp cho các hoạt động quy hoạch và phát triển trong Lưu vực sông Mekong được thực hiện với các khuyến nghị và thông tin về hậu quả xác đáng nhất.
 
Bộ trưởng đánh giá việc hai nước ký kết Bản ghi nhớ về nghiên cứu là cơ sở quan trọng để tiếp tục triển khai các công việc hướng tới mục tiêu tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó cùng nhau khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước sông Mekong./.

Trần Chí Hùng/Phnom Penh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục