Nghiên cứu xói mòn bề mặt các lưu vực sông

Sự xói mòn đất đai ở Đắk Nông là nguyên nhân dẫn đến lũ lụt rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội.
Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường (Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) cùng Sở Khoa học Công nghệ Đắk Nông thực hiện đề tài “Nghiên cứu tính toán và dự báo xói mòn bề mặt các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.”

Sự xói mòn đất đai là nguyên nhân dẫn đến lũ lụt rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội, gây thiệt hại về người và tài sản.

Theo các nhà nghiên cứu, Đắk Nông nằm ở phía Nam Tây Nguyên, có khí hậu nóng và mưa nhiều, đạt chỉ số từ 2.400 đến 3.000 mm/năm. Phần lớn diện tích toàn tỉnh là địa hình vùng đồi uốn lượn sóng, nhiều vùng tương đối bằng phẳng, nhưng sườn khá dốc.

Đắk Nông nằm trên ba lưu vực sông Đồng Nai; Krông Ana thượng nguồn sông Sêrêpốc; thượng nguồn sông Bé. Phần lớn trên vùng đất bazan của tỉnh có tầng bauxite phân bố diện rộng, không giữ nước, lượng nước ngầm rất nghèo do ảnh hưởng của tầng đá mỏng, độ thấm kém, nước chủ yếu chảy trên mặt đất, đã làm tăng mức độ xói mòn đất.

Trong nhiều năm, việc khai thác rừng ở Đắk Nông diễn ra rất mạnh. Việc phá rừng làm nương rẫy trên đỉnh đồi của người dân làm tăng sự rửa trôi, xói mòn đất ở sườn đồi, kéo theo các hồ nước ở dưới chân đồi bị lấp đầy nhanh, mất khả năng trữ nước. Tình trạng xói mòn đất cũng làm cho hệ thống thủy lợi xuống cấp vì các hồ chứa nhanh chóng bị bùn lắng đọng.

Vùng phía đông tỉnh Đắk Nông có bình nguyên rộng lớn với nhiều đồng cỏ, nhưng mức độ chia cắt địa hình mạnh nên xói mòn theo khu vực khá rõ rệt. Phía Nam của tỉnh là vùng trũng có nhiều đầm hồ, khả năng xói mòn và bồi lắng nhiều.

Cũng do canh tác không bền vững, độ màu mỡ của đất giảm dần và khả năng tái tạo nguồn dinh dưỡng cho đất hạn chế, gây mất cân bằng sinh thái dẫn tới tình trạng đất suy thoái, cạn kiệt, khó có thể phục hồi, năng suất cây trồng giảm và chi phí sản xuất tăng.

Hiện nay, Đắk Nông có diện tích đất nông nghiệp lớn (chiếm hơn 20% diện tích tự nhiên), nhưng đất thoái hóa mạnh, giữ nước kém, hơi chua, nghèo dinh dưỡng và hàm lượng hữu cơ thấp, dễ suy thoái.

Với phương thức canh tác như hiện nay thì khả năng thoái hóa đất do xói mòn rất cao. Một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng đất còn là sự ô nhiễm do chất thải công nghiệp trong tương lai gần (việc khai thác bauxite và sản xuất nhôm).

Đề tài khoa học đã đề xuất với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, Đắk Nông phải cải tạo đất theo hướng đáp ứng yêu cầu sử dụng và tạo ra sự cân bằng mới trong hệ sinh thái.

Phải có đánh giá đúng hiện trạng quỹ đất, sự suy thoái đất nhằm xây dựng phương án, lựa chọn mô hình sản xuất hợp lý để phục hồi các đặc tính của đất và phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững.

Tỉnh phải có những biện pháp cải tạo đất nhằm tăng độ phì nhiêu của đất bằng biện pháp bón phân, tăng độ ẩm đất bằng việc xây dựng các công trình thủy lợi, áp dụng việc tưới nước hợp lý, cải thiện kết cấu đất bằng các biện pháp cày xới hoặc bằng canh tác xen canh gối vụ, trồng cây theo đường đồng mức...

Đi đôi với việc tập trung phát triển kinh tế, địa phương phải quan tâm hơn nữa đến các biện pháp bảo vệ môi trường và giữ gìn độ ổn định của hệ sinh thái nông lâm nghiệp trong quá trình cải tạo đất./.

Nguyễn Ngọc Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục