Nghiệp đoàn ngành chế tạo ôtô Mỹ thông qua thỏa thuận với hãng Ford

Theo thỏa thuận giữa lãnh đạo Nghiệp đoàn Công nhân Sản xuất Ôtô Mỹ và Ford, các công nhân có thể được trả lương thêm 70.000 USD trong 4 năm rưỡi hợp đồng có hiệu lực.
Nghiệp đoàn ngành chế tạo ôtô Mỹ thông qua thỏa thuận với hãng Ford ảnh 1Công nhân tham gia đình công bên ngoài nhà máy của hãng ôtô Ford ở Chicago, Illinois, Mỹ, ngày 29/9/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 29/10, lãnh đạo Nghiệp đoàn Công nhân Sản xuất Ôtô Mỹ (UAW) đã thông qua thỏa thuận lao động mới đạt được với hãng chế tạo ôtô Ford.

Trong khi đó, UAW mở rộng cuộc đình công tại một số nhà máy của General Motors (GM), hãng duy nhất trong 3 nhà chế tạo ôtô lớn tại thành phố Detroit (Mỹ) chưa đạt thỏa thuận lao động sơ bộ với UAW.

Theo thỏa thuận giữa UAW và Ford, các công nhân có thể được trả lương thêm 70.000 USD trong 4 năm rưỡi hợp đồng có hiệu lực.

[Tổng thống Mỹ hoan nghênh thỏa thuận giữa Nghiệp đoàn ôtô Mỹ và Ford]

Các lao động hợp đồng thời vụ sẽ được trả lương gấp đôi trong khi nhân viên hợp đồng dài hạn có thể được tăng lương tối đa hơn 30% lên 42,6 USD/giờ vào năm 2028, bao gồm cả trợ cấp chi phí sinh hoạt.

Thỏa thuận cũng bao gồm 8,1 tỷ USD đầu tư chế tạo và đã xóa bỏ các điều khoản tiết kiệm chi phí như trả lương cho công nhân tại các nhà máy sản xuất linh kiện thấp hơn lương công nhân tại các dây chuyền lắp ráp.

Động thái trên diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tập đoàn chế tạo ôtô Stellantis và UAW đạt được thỏa thuận sơ bộ để chấm dứt đình công. Như vậy, GM là hãng duy nhất trong số 3 “ông lớn” chế tạo ôtô tại Detroit chưa đạt được thỏa thuận với UAW.

Trong lúc cuộc đàm phán giữa UAW và GM chưa đi đến thỏa thuận, Chủ tịch UAW Shawn Fain đã kêu gọi đình công tại nhà máy của GM, Spring Hill ở bang Tennessee. Cuộc đình công quy mô lớn bắt đầu từ tối 28/10 tại nhà máy lớn nhất của GM tại Bắc Mỹ. Thêm gần 4.000 công nhân tham gia, trong khi khoảng 14.000 người đang đình công tại các nhà máy của GM ở 3 bang Texas, Michigan và Missouri.

Áp lực gia tăng đáng kể đối với GM bởi nhà máy Spring Hill chế tạo động cơ cho các xe được lắp ráp tại tổng cộng 9 nhà máy ở xa, trong đó có ở Mexico.

Ông Erik Gordon, giáo sư chuyên ngành kinh doanh của Đại học Michigan, nhận định cuộc đình công ở Spring Hill ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động chế tạo của GM. Nếu hãng không nhanh chóng khắc phục sẽ phải đóng cửa phần lớn dây chuyền sản xuất.  
Nghiệp đoàn tiếp tục đàm phán với lãnh đạo GM ngày 29/10. Tuy nhiên, chưa có thông tin cụ thể về cuộc thương lượng này.

Cuộc đình công do UAW phát động diễn ra từ ngày 15/9 tại 3 nhà máy của mỗi tập đoàn GM, Ford và Stellanti, với số lượng công nhân ngừng làm việc lên tới khoảng 12.000 người nhằm gây áp lực đối với giới chủ trong khi các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục.

Các nhà sản xuất ô tô kể từ đó đã liên tục đề xuất tăng lương và phúc lợi, song không mang lại kết quả khi phía nghiệp đoàn tiếp tục mở rộng đình công sang nhiều nhà máy khác.

Đại diện các hãng ô tô cho rằng đình công hiện nay có nguy cơ gây thiệt hại lâu dài đối với chuỗi cung ứng vốn đã đứt gãy, khẳng định nếu tiếp tục nhượng bộ sẽ tổn hại nguồn đầu tư cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang xe điện trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục