Ngoại giao của Philippines trong thời kỳ xung đột mạng

Philippines đã chuẩn bị sẵn sàng để đảm bảo an toàn cho hệ thống mạng của chính phủ và cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, nhưng việc đối phó với các cuộc xâm nhập mạng lại đặt ra một thách thức lớn.
Ngoại giao của Philippines trong thời kỳ xung đột mạng ảnh 1Cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại thủ đô Manila. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, sự nổi lên của không gian mạng như một lĩnh vực cạnh tranh chiến lược đã khiến việc tận dụng các lợi thế của cuộc cách mạng thông tin trở nên phức tạp hơn đối với Philippines.

Quốc gia Đông Nam Á này hiện đang tăng cường mức độ sẵn sàng kết nối (network readiness) bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, tăng cường kết nối và thực thi các chính sách để quản lý tác động của các công nghệ mới.

Tuy nhiên, khi mức độ sẵn sàng kết nối được cải thiện, nước này cũng sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn trước những cuộc xâm nhập mạng của các đối thủ có năng lực.

[Philippines: Chính sách đối ngoại khác biệt của F.Marcos và R.Duterte]

Năm 2017, những tin tặc đã làm rò rỉ các tài liệu nhạy cảm từ Cung Malacañang (Phủ tổng thống) và Bộ Ngoại giao Philippines để đáp trả việc Tổng thống Rodrigo Duterte tăng cường quan hệ với Trung Quốc.

Bất chấp sự việc nghiêm trọng này, Philippines đã không đưa ra phản ứng chính sách rõ ràng nào.

Philippines đã chuẩn bị sẵn sàng để đảm bảo an toàn cho hệ thống mạng của chính phủ và cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, nhưng việc đối phó hiệu quả với các cuộc xâm nhập mạng do nhà nước bảo trợ lại đặt ra một thách thức lớn hơn.

Năng lực lãnh đạo, quản lý chặt chẽ và hệ thống thông tin liên lạc được bảo mật chỉ có thể được phát triển theo thời gian.

Trước những thách thức này, chính quyền tiếp theo ở Philippines phải bổ sung cho các biện pháp hiện hành để bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực không gian mạng.

Mặc dù Philippines đã tham gia vào một số hoạt động ngoại giao về an ninh mạng, nhưng những hoạt động này hiện không được coi là một phần trong các nỗ lực quốc gia nhằm đảm bảo an ninh trên không gian mạng.

Chính quyền tiếp theo phải coi ngoại giao không gian mạng như một công cụ để quản lý các hoạt động không gian mạng có động cơ chính trị và thù địch.

Ngoại giao không gian mạng là việc "sử dụng các nguồn lực ngoại giao và thực hiện các chức năng ngoại giao để bảo đảm lợi ích quốc gia liên quan đến không gian mạng."

Đây là một công cụ thiết yếu để các quốc gia kém năng lực thể hiện quyền lực mềm bằng cách định hình các ưu tiên chính sách đối ngoại của các quốc gia khác thông qua văn hóa, giá trị và chính sách, chứ không phải là dùng vũ lực hoặc trừng phạt.

Kể từ khi việc sử dụng các công nghệ để định hình các ưu tiên quốc gia trở thành thông lệ, ngoại giao không gian mạng rất hữu ích cho các quốc gia trong một môi trường cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt.

Philippines có thể tăng cường ngoại giao không gian mạng thông qua ba sáng kiến - kết hợp các hoạt động ngoại giao trong chiến lược không gian mạng quốc gia, thúc đẩy các chuẩn mực không gian mạng và duy trì hợp tác quốc tế.

Bộ Ngoại giao Philippines đã tích cực tham gia vào các cam kết an ninh mạng khu vực và toàn cầu, nhưng các hoạt động ngoại giao vẫn chưa được lồng ghép trong các nỗ lực an ninh mạng.

Chính phủ Philippines coi an ninh mạng là một vấn đề nội bộ vì thủ phạm xâm nhập mạng chủ yếu là tội phạm và tin tặc.

Thật vậy, Bộ Ngoại giao Philippines thậm chí không được coi là một bên liên quan trong các nỗ lực an ninh mạng của chính phủ.

Các hoạt động ngoại giao phải được xem xét bởi vì các quốc gia là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong không gian mạng và cũng là những người đề xuất kế hoạch ngăn chặn các hoạt động thù địch trong không gian mạng.

Chính quyền tiếp theo ở Philippines cũng nên thúc đẩy các chuẩn mực về không gian mạng. Các chuẩn mực của Liên hợp quốc về hành vi của nhà nước có trách nhiệm trong không gian mạng là một sáng kiến toàn cầu quan trọng nhằm giảm thiểu các mối đe dọa và xung đột trên không gian mạng mà Philippines có thể sử dụng để củng cố thế trận an ninh mạng của mình. Có ba biện pháp mà Philippines có thể theo đuổi.

Đầu tiên là nêu tên và làm bẽ mặt các quốc gia vi phạm các chuẩn mực và luật pháp quốc tế.

Việc gán các sự cố mạng cho các tác nhân cụ thể có thể áp đặt chi phí về danh tiếng và truyền tải các tín hiệu quan trọng đến các đối thủ. Những nỗ lực này có thể tương tự như những cuộc phản đối ngoại giao liên quan đến các hoạt động vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông, phù hợp với văn hóa tránh xung đột trong khu vực.

Mặc dù các biện pháp “nêu tên và làm bẽ mặt” có nguy cơ phản tác dụng và có thể khiến Philippines phải hứng chịu nhiều cuộc xâm nhập mạng hơn, nhưng đây vẫn là một lựa chọn khả thi hơn là dựa vào khu vực tư nhân hoặc không phản ứng gì cả.

Biện pháp thứ hai là "cáo buộc," quá trình một hoặc nhiều tác nhân cáo buộc rằng một nhà nước phải chịu trách nhiệm về một hoạt động trên không gian mạng.

Biện pháp “cáo buộc” là khác với biện pháp “nêu tên và làm bẽ mặt” vì việc gán ghép và lên án một nhà nước có thể được thực hiện một cách riêng tư mà không tiết lộ nhà tài trợ cho hoạt động không gian mạng.

Những hành động này là rất quan trọng trong việc tăng cường an ninh mạng, vì Đông Á được coi là một trong những khu vực xung đột không gian mạng tích cực nhất.

Duy trì hợp tác quốc tế nên là sáng kiến thứ ba của chính phủ Philippines tiếp theo. Do các hoạt động trên không gian mạng không bị ràng buộc bởi ranh giới địa lý, nên sự hợp tác là cần thiết để quản lý các mối đe dọa ngày càng phức tạp.

Philippines phải tiếp tục tham gia với các nền tảng như Nhóm công tác mở của Liên hợp quốc về Phát triển trong lĩnh vực thông tin và viễn thông trong bối cảnh an ninh quốc tế và Diễn đàn toàn cầu về chuyên môn mạng vì các nền tảng này tăng cường hợp tác quốc tế.

Ví dụ, Nhóm công tác đã đóng góp vào việc phát triển các tiêu chuẩn mạng toàn cầu trong khi Diễn đàn tăng cường xây dựng năng lực không gian mạng bằng cách kết nối nhu cầu, nguồn lực, chuyên môn và kiến thức thực tế của cộng đồng toàn cầu.

Ngoại giao không gian mạng là một công cụ tất yếu của các quốc gia kém năng lực trong thế kỷ 21 này.

Mặc dù Philippines đang nỗ lực nâng cao thế trận an ninh trên không gian mạng, nhưng nước này không thể cạnh tranh với năng lực không gian mạng của các quốc gia hùng mạnh hơn.

Nếu chính quyền tiếp theo có ý định quản lý xung đột và cạnh tranh trên không gian mạng, thì họ phải tăng cường ngoại giao không gian mạng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục