Ngoại giao hạt nhân: Mỹ-Triều đang bước vào một "ngã ba đường"?

Ngoại giao hạt nhân Triều Tiên đã rơi vào bế tắc, triển vọng trong tương lai sẽ chứng minh rằng ngoại giao chỉ là một “khúc nhạc đệm” và phương tiện của cuộc đọ sức chiến lược.
Ngoại giao hạt nhân: Mỹ-Triều đang bước vào một "ngã ba đường"? ảnh 1(Nguồn: RT)

Trang mạng Quốc tế (Trung Quốc) mới đây đã đăng bài viết về quan hệ Mỹ và Triều Tiên của tác giả Tôn Hưng Kiệt, Phó Viện trưởng Học viện Ngoại giao thuộc Đại học Cát Lâm, Trung Quốc.

Bài viết cho rằng theo logic của "Chiến tranh Lạnh," cuộc đọ sức Mỹ-Triều tồn tại một sai lầm cơ bản. Đó là Triều Tiên tự co cụm lại thì làm thế nào để có thể đối đầu với hệ thống quốc tế? Sự răn đe hạt nhân của Triều Tiên làm sao có thể chống lại nhiều sức ép về chính trị, kinh tế, quân sự, ý thức hệ... của hệ thống này?

Trong một tuần, Triều Tiên đã hai lần phóng tên lửa đạn đạo, ngoài việc thử thăm dò sự kiên nhẫn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, điều quan trọng hơn là phát đi tín hiệu với Mỹ rằng nếu không giảm bớt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên thì họ sẽ đảo ngược phi hạt nhân hóa. Trong tình hình "Chiến tranh lạnh," Mỹ rất có thể đảo ngược mối quan hệ Mỹ-Triều.

Trong tháng Năm, Triều Tiên đã tiến hành hai vụ phóng vũ khí trong vòng 6 ngày, hơn nữa nói rằng đó là vụ phóng tên lửa tầm ngắn. Ngày 4/5, nước này đã phóng nhiều vật thể bay không xác định. Phía Hàn Quốc cho rằng đó là một loại vũ khí dẫn đường chiến thuật kiểu mới.

Phía Triều Tiên cuối cùng cũng xác nhận đây là một tên lửa tầm xa cỡ lớn và là “vũ khí dẫn đường chiến thuật." Phản ứng của Mỹ lại khiến người ta suy nghĩ.

Sau lần phóng đầu tiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi trả lời phỏng vấn báo chí cho rằng Triều Tiên không phóng tên lửa đạn đạo, phản ứng của ông Trump trên Twitter cũng khá ôn hòa.

Ngày 9/5, sau khi Triều Tiên phóng hai tên lửa có tầm bắn gần 500km, ông Trump cho biết không ai cảm thấy hài lòng đối với các hành động của Triều Tiên, đồng thời cũng cho rằng Triều Tiên chưa sẵn sàng tiến hành đàm phán lại.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội, ngoại giao hạt nhân Triều Tiên bước vào một "ngã ba đường," quan hệ Mỹ-Triều đang bước vào một chu kỳ mới. Tuy nhiên, khác với các cuộc tiếp xúc trước đây giữa Mỹ và Triều Tiên về vấn đề hạt nhân, quan hệ Mỹ-Triều hiện nay đã có đầy đủ logic của cuộc "Chiến tranh Lạnh" rõ rệt.

Nếu mối quan hệ Mỹ-Triều được coi là sự tái hiện một kiểu "Chiến tranh Lạnh" thì có vẻ hơi khiên cưỡng. Suy cho cùng, Triều Tiên và Mỹ không phải là đối thủ cân sức, nhưng không thể phủ nhận rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên có một đặc tính của "Chiến tranh Lạnh" rõ rệt.

Thứ nhất, sự đối đầu về ý thức hệ giữa Mỹ và Triều Tiên rất mạnh mẽ, và có thể nói rằng sự đối đầu này không vượt qua “Chiến tranh Lạnh."

Mỹ với tư cách là người chiến thắng trong “Chiến tranh Lạnh” nên không thay đổi bản thân mình, không phải là “lịch sử đã chấm dứt” như nhà khoa học chính trị Mỹ Francis Fukuyama từng nói. Trong khi đó, ý thức tư tưởng cơ bản của ba thế hệ lãnh đạo Triều Tiên có tính liên tục và kế thừa mạnh mẽ.

Thứ hai, tình hình đối đầu giữa Mỹ và Triều Tiên không thay đổi. Chức năng hàng đầu của liên minh quân sự Mỹ-Hàn vẫn là đề phòng và kiềm chế Triều Tiên. Tình hình cơ bản này không thay đổi theo cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Thứ ba, Triều Tiên vẫn bị cô lập với nền kinh tế thế giới. Mặc dù Phiên họp toàn thể thứ ba của Ủy ban Trung ương khóa 7 đảng Lao động Triều Tiên năm ngoái đã điều chỉnh trọng tâm chiến lược quốc gia, nhưng điều đó không có nghĩa là Triều Tiên muốn hội nhập hệ thống kinh tế thị trường thế giới.

Thứ tư, điều quan trọng là Triều Tiên trên thực tế có vũ khí hạt nhân. Vụ phóng tên lửa tầm xa được tiến hành vào tháng 11/2017 có nghĩa là quan hệ Mỹ-Triều có tính chất răn đe hạt nhân.

Kể từ khi mối quan hệ Mỹ-Triều hòa dịu vào năm ngoái, ông Donald Trump và ông Kim Jong-un đã có hai cuộc gặp gây chú ý toàn cầu, nhưng tình hình cơ bản của quan hệ Mỹ-Triều không có sự thay đổi đáng kể.

Đương nhiên, xét từ tình hình ngoại giao, chính sách ngoại giao của Triều Tiên đã có sự thay đổi về chất, đã hình thành một bầu không khí ngoại giao tích cực hơn. Song, ngoại giao chung quy vẫn phải phục vụ cho lợi ích của đất nước. Trong cấu trúc cơ bản của quan hệ Mỹ-Triều, ngoại giao có phải là giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay là để thực hiện lợi ích của các quốc gia? Logic cơ bản của "Chiến tranh Lạnh" chính là sự sống còn, thông qua cuộc đọ sức chiến lược lâu dài cuối cùng giành được thắng lợi.

Do vậy, "Chiến tranh Lạnh" có đặc trưng đối đầu mang tính hệ thống, đại diện cho thử thách cuối cùng của sự sống và cái chết.

Cuộc đối đầu mang tính hệ thống là điển hình nhất trong thời kỳ "Chiến tranh Lạnh" giữa Mỹ và Liên Xô, quan hệ Mỹ-Triều có phải cũng có những đặc điểm như vậy hay không? Trước khi sở hữu hạt nhân, "quân bài" trong tay Triều Tiên rất hạn chế, không thể đọ sức với Mỹ về phương diện vũ khí hạt nhân.

[Đại sứ Hàn Quốc: Triều Tiên phát tín hiệu muốn đàm phán với Mỹ]

Sau năm 2017, Triều Tiên không còn là “em út” trong hệ thống mà là độc lập tác chiến. Ít nhất, Triều Tiên tự nhận là nước lớn về quân sự. Kết quả là Triều Tiên ngày càng cho rằng có thể thể hiện rõ đặc trưng tiến hành đọ sức bình đẳng với Mỹ. Mối quan hệ Mỹ-Triều ngày càng có tính bình đẳng về mặt chiến lược. Bản thân Triều Tiên chính là một hệ thống, đương nhiên, Triều Tiên cũng phải chịu nhiều sức ép của hệ thống quốc tế.

“Chiến tranh Lạnh” không phải là mục đích mà là một trạng thái. Kết quả cuối cùng vẫn là cuộc đọ sức một mất một còn. Do vậy, sinh tồn là ưu tiên hàng đầu trong "Chiến tranh Lạnh," còn kinh tế phồn vinh là mục tiêu thứ hai.

Trong quá trình đàm phán Mỹ-Triều, ông Trump liên tục nhấn mạnh rằng Triều Tiên có tiềm năng kinh tế to lớn, nếu Triều Tiên phi hạt nhân hóa thì sẽ trở thành một quốc gia thịnh vượng. Nhưng trong logic sinh tồn của Triều Tiên, vũ khí hạt nhân chính là mục đích chứ không phải phương tiện. Logic sinh tồn của Triều Tiên và logic phát triển của ông Trump không những không cùng quan điểm mà có thể nói là bất đồng với nhau.

Cấu trúc cuộc đọ sức “Chiến tranh Lạnh” Mỹ-Triều không những không đồng đẳng mà còn bị biến dạng. Sự sống còn của Triều Tiên đã được bảo vệ bằng vũ khí hạt nhân, nhưng sự phát triển khó có thể được thực hiện, lợi ích thứ hai vượt ra ngoài lợi ích cốt lõi quốc gia. Mọi sự sống còn đều sẽ chịu sự thử thách nghiêm trọng.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc cho rằng 10 triệu người Triều Tiên đối mặt với nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Nếu không có viện trợ nhân đạo quốc tế, sự sinh tồn của người già và trẻ em ở Triều Tiên sẽ vô cùng khó khăn.

Trong 1 tuần, Triều Tiên đã hai lần phóng tên lửa đạn đạo, đặc biệt là lần thứ hai, về cơ bản đã chạm đến điểm tới hạn của tên lửa tầm trung và tầm xa. Ngoài việc thăm dò sự kiên nhẫn của Donald Trump, điều quan trọng hơn là phát đi thông tin cho Mỹ: Nếu lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên không được giảm bớt thì họ sẽ đảo ngược phi hạt nhân hóa, trong đó có việc khôi phục các vụ phóng tên lửa tầm trung và tầm xa. Trong tình hình "Chiến tranh Lạnh," Mỹ rất có thể đảo ngược quan hệ Mỹ-Triều, mặc dù cánh cửa của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba chưa bị đóng lại, nhưng Donald Trump cho rằng Triều Tiên không có thành ý tiến hành cuộc gặp.

Ngoại giao hạt nhân Triều Tiên đã rơi vào bế tắc, triển vọng trong tương lai sẽ chứng minh rằng ngoại giao chỉ là một “khúc nhạc đệm” và phương tiện của cuộc đọ sức chiến lược. Dù ông Donald Trump hay ông Kim Jong-un đều không thể gửi gắm hy vọng vào vấn đề hạt nhân Triều Tiên nhất định có kết quả. Ngoại giao Mỹ-Triều được định hướng bằng kết quả, sẽ dần dần chuyển hướng sang ngoại giao theo kiểu kiểm soát rủi ro. Tất nhiên, ngoại giao không có nghĩa là những người đứng đầu phải gặp nhau, không gặp nhau cũng vẫn có thể có cuộc đọ sức ngoại giao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục