Ngoại giao vắcxin: 'Vũ khí' giúp Trung Quốc củng cố sức mạnh mềm?

Nghiên cứu học thuật cho thấy Mỹ vẫn có lợi thế hơn Trung Quốc, kể cả về sức mạnh mềm, mặc dù điều này không có nghĩa là Washington có thể "ngủ quên trên chiến thắng."
Ngoại giao vắcxin: 'Vũ khí' giúp Trung Quốc củng cố sức mạnh mềm? ảnh 1Nghiên cứu viên kiểm tra mẫu vắcxin phòng dịch COVID-19 tại nhà máy của Tập đoàn công nghệ dược phẩm quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo mạng tin scmp.com, các bảng xếp hạng sức mạnh mềm là chỉ dấu cho thấy những nỗ lực của Trung Quốc nhằm góp phần mang lại những điều tốt đẹp cho toàn thế giới vẫn chưa "đơm hoa kết trái" những năm gần đây.

Năm ngoái, Trung Quốc đứng thứ 27 trong số 30 quốc gia trong bảng xếp hạng chỉ số Sức mạnh Mềm 30 (Soft Power 30 index) do Trung tâm Ngoại giao Công chúng và Truyền thông Portland thuộc trường Đại học Nam California công bố.

Trong một bài bình luận gần đây viết cho Bloomberg, Hal Brands - giữ danh hiệu Giáo sư ưu tú Henry Kissinger của Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc trường Đại học Johns Hopkins - chỉ ra rằng nghiên cứu học thuật cho thấy Mỹ vẫn có lợi thế hơn Trung Quốc, kể cả về sức mạnh mềm, mặc dù điều này không có nghĩa là Washington có thể "ngủ quên trên chiến thắng."

Trong ấn phẩm vừa được xuất bản, Monocle - tạp chí về các vấn đề toàn cầu và phong cách sống - đã xếp Đức, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản và hòn đảo Đài Loan vào 5 vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng sức mạnh mềm. Có thể thấy rõ Trung Quốc vắng mặt trong bảng xếp hạng này.

Theo Monocle, mặc dù sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã giúp họ xây dựng ảnh hưởng trên toàn thế giới, nhưng Trung Quốc không lọt vào danh sách nói trên vì rất nhiều nước “thiếu niềm tin vào chính phủ Trung Quốc và có những lo ngại về việc Bắc Kinh liên tục bắt nạt các nước láng giềng," và chính điều này khiến cho sức mạnh mềm của Trung Quốc rất bấp bênh.

[Trung Quốc khẳng định vắcxin COVID-19 phát triển trong nước an toàn]

Chính sách "ngoại giao vắcxin" hiện nay của Bắc Kinh đối với các nước đang phát triển nên tính đến vấn đề này. Những xếp hạng và nhận thức như nói ở trên cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu thông qua Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), cũng như sự tham gia nhiều hơn của Trung Quốc vào các cuộc thảo luận về khí hậu và năng lượng toàn cầu, đã bị phủ bóng bởi quan điểm cho rằng họ đang sử dụng ảnh hưởng kinh tế như một công cụ để ép buộc các nước khác.

Ngay cả những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường vai trò trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhằm khẳng định Trung Quốc là một nhà lãnh đạo y tế toàn cầu có trách nhiệm thông qua việc thúc đẩy "Con đường Tơ lụa Y tế" để cải thiện sức khỏe cộng đồng ở các quốc gia tham gia BRI cũng không mang lại hiệu quả.

Vắcxin ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất đã được chuyển đến Indonesia và sẽ được vận chuyển đến các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á trong những ngày tới.

Thay vì rầm rộ khoe khoang đây là một "cuộc tấn công quyến rũ" toàn cầu khác dưới biểu ngữ là “cường quốc có trách nhiệm,” Trung Quốc nên tiến hành chính sách ngoại giao y tế mới nhất của mình một cách ít phô trương hơn.

Nỗ lực cung cấp các bộ kít xét nghiệm nhanh COVID-19 của Trung Quốc cũng vấp phải sự phản đối sau khi các quốc gia như Philippines, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan nói rằng chúng không đạt tiêu chuẩn và cho kết quả không chính xác.

Còn về khẩu trang và các tấm chắn giọt bắn, một số không có hiệu quả như mong muốn, mặc dù chúng đều có giấy chứng nhận chất lượng.

Thảm họa quan hệ công chúng mà những sự cố này gây ra trên toàn thế giới cũng có thể giải thích một phần lý do tại sao Trung Quốc dường như không thể tăng xếp hạng sức mạnh mềm của mình trong năm nay.

Trong bối cảnh tính hiệu quả và các tác dụng phụ có thể xảy ra của vắcxin ngừa COVID-19 vẫn chưa rõ ràng, Bắc Kinh nên hạn chế phân phối vắcxin như họ từng làm trước đây, khi các nhà ngoại giao Trung Quốc tươi cười trao hàng hóa viện trợ có gắn cờ Trung Quốc và ca ngợi tình hữu nghị lâu dài với các quốc gia này.

Rốt cuộc, chính trị hào phóng - một thuật ngữ được đặt ra bởi đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell vào đầu năm nay - có thể một lần nữa lại phản tác dụng và ảnh hướng xấu tới những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc củng cố sức mạnh mềm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục