Ngoài tăng lương, cần có chế độ an sinh với người nghèo, hưu trí

Đại biểu Quốc hội cho rằng, ngoài việc tăng lương cơ sở, Chính phủ cần có những chế độ an sinh đối với đối tượng cán bộ hưu trí, gia đình có công cách mạng, hộ nghèo.
Ngoài tăng lương, cần có chế độ an sinh với người nghèo, hưu trí ảnh 1Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Minh. (Ảnh: T.T/Vietnam+)

Sáng 11/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Theo đó, từ ngày 1/5/2016, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức sẽ tăng 5% và như vậy, ​con số này được điều chỉnh từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng.

Bên lề kỳ họp, các đại biểu đã trao đổi với báo giới về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Văn Minh (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh): Việc các Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 được đông đảo cử tri, người hưởng lương đồng tình.

Nếu nói mức tăng nào là đủ thì sẽ rất khó. Tuy nhiên, việc tăng mức lương cơ sở như Chính phủ trình Quốc hội và được thông qua hôm nay là tín hiệu mừng. Điều này cho thấy qua ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội, việc tăng lương được thực hiện và Chính phủ đã phải hết sức chắt chiu kinh phí khác để bố trí nguồn cho việc này.

Tuy nhiên, nếu muốn đảm bảo đời sống công chức, những người ăn lương thì ngoài việc đảm bảo lương còn phải đảm bảo các nguồn cơ sở khác như nhu cầu nhà ở xã hội…

Việc tăng lương cũng đặt ra hệ lụy như mức giá sẽ tăng. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, bảo hiểm y tế, học phí cho sinh viên đại học cũng sắp tăng cũng sẽ gây khó khăn cho các đối tượng hưởng lương chính sách nhà nước. Bởi vậy, ngoài việc tăng lương cơ sở, Chính phủ cần có những chế độ an sinh đối với đối tượng cán bộ hưu trí, gia đình có công cách mạng và đặc biệt là hộ nghèo.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm việc tăng các loại phí trên có khiến chất lượng giáo dục, y tế nâng lên hay không hay vẫn dẫm chân tại chỗ?

Ngoài tăng lương, cần có chế độ an sinh với người nghèo, hưu trí ảnh 2Việc tăng lương nhiều khả năng sẽ kéo theo giá cả tiêu dùng tăng theo. (Nguồn: TTXVN)

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn Thái Nguyên, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội): Thu nhập của người lao động nói chung và cán bộ công chức hiện nay còn chưa đáp ứng được tiêu chí và nhu cầu cuộc sống. Việc điều chỉnh lương cơ sở ở mức 5% là sự bổ sung khiêm tốn cho với nhu cầu thực tế song trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, chúng ta cần phải chung vai.

Chúng tôi cho rằng, mức lương tối thiểu không phụ thuộc vào năng suất, hiệu quả lao động vì phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Còn tiền lương thì phụ thuộc vào năng suất và hiệu quả lao động.

Về việc cắt giảm chỗ khác để có nguồn kinh phí cho tăng lương, ông Hùng nhấn mạnh các giải pháp vĩ mô mà Quốc hội quyết định là đúng hướng và khả thi. Tuy nhiên, việc điều hành cụ thể thì Chính phủ, các bộ ngành phải sắp xếp, bố trí theo đúng tinh thần “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm…”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục