Ngoại trưởng Đức "hạ nhiệt" cuộc đấu khẩu căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã cảnh báo tình trạng leo thang căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh sẽ không để những nền tảng của tình hữu nghị hai nước bị tổn hại.
Ngoại trưởng Đức "hạ nhiệt" cuộc đấu khẩu căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Thủ tướng Áo Christian Kern. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel ngày 5/3 đã lên tiếng cảnh báo tình trạng leo thang căng thẳng giữa hai nước, nhấn mạnh sẽ không để những nền tảng của tình hữu nghị hai nước bị tổn hại.

Ngoại trưởng Gabriel khẳng định Berlin không cấm các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện và phát biểu trước cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức, song yêu cầu tôn trọng các quy định về quyền và những lễ nghi ở Đức.

  
Ngoại trưởng Đức "hạ nhiệt" cuộc đấu khẩu căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 2Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel (phải) và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (trái) tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 ở Bonn, Đức ngày 16/2. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cùng ngày 5/3 đã chỉ trích việc Berlin cấm các cuộc míttinh ở Đức trước thềm cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp.

Phát biểu tại một cuộc míttinh ở thủ đô Istanbul, ông Erdogan cho rằng "cách hành xử của Đức không khác gì cách hành xử thời phátxít."

Nhiều chính trị gia Đức và giới bình luận cho rằng đề xuất cải cách hiến pháp của Tổng thống Erdogan là "thiếu dân chủ."

Ngày 5/3, cảnh sát thành phố Köln cho biết đã tăng cường an ninh nhằm đảm bảo cho một cuộc mít tinh của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức theo kế hoạch diễn ra vào tối cùng ngày, trong đó Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci dự kiến phát biểu để vận động cử tri ủng hộ cải cách hiến pháp ở nước này.

Trước đó, giới chức tại một số thành phố ở Đức như Gaggenau (bang Baden-Württemberg), Köln và Frechen (bang Nordrhein-Westfalen) đã không cấp phép tổ chức các cuộc míttinh của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ, viện dẫn những quan ngại về an ninh - động thái đã gây căng thẳng cho quan hệ hai nước vốn đang gặp nhiều sóng gió.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim và người đồng cấp Đức Angela Merkel ngày 4/3 cũng đã có cuộc điện đàm "tích cực và có hiệu quả" về quan hệ song phương, và dự kiến ngoại trưởng hai nước sẽ gặp nhau trong tuần tới để thảo luận tình hình quan hệ hai nước.

Với khoảng 3 triệu người gốc Thổ hiện sinh sống ở Đức, quốc gia này được xem là điểm quan trọng để Tổng thống Erdogan tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri khi tiến hành sửa đổi hiến pháp, vốn được xem sẽ gia tăng quyền hạn cho tổng thống.

Cùng ngày, Thủ tướng Áo Christian Kern đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cấm tất cả chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành hoạt động vận động chính trị trong khối liên minh này.

Đề nghị được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ muốn đưa các bộ trưởng tới Đức để vận động cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở đây bỏ phiếu ủng hộ cải cách Hiến pháp trong một cuộc trưng cầu ý dân, dự kiến được tiến hành vào ngày 16/4 tới.

Phát biểu với báo Thế giới Chủ nhật (Welt am Sonntag) của Đức ngày 5/3, Thủ tướng Christian Kern đã chỉ trích Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan “xâm phạm quyền con người và các quyền cơ bản của nền dân chủ.”

Theo ông, việc EU cùng hành động để ngăn cấm các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ tới vận động chính trị ở các nước EU là cần thiết để không một quốc gia nào trong EU, như trường hợp của Đức vừa qua, phải chịu sức ép khi đưa ra lệnh cấm các cuộc míttinh có sự tham dự và phát biểu của các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Kern cũng đề nghị EU chấm dứt các cuộc đàm phán về gia nhập EU với Thổ Nhĩ Kỳ do những khác biệt về các nguyên tắc dân chủ và nhà nước pháp quyền giữa hai bên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục