Ngoại trưởng Đức không ủng hộ xây thêm các trại tị nạn ở Libya

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tuyên bố Đức không ủng hộ kế hoạch xây thêm các trại tị nạn ở Libya cho những người di cư mong muốn tìm đường sang châu Âu.
Ngoại trưởng Đức không ủng hộ xây thêm các trại tị nạn ở Libya ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đức không ủng hộ kế hoạch xây thêm các trại tị nạn ở Libya cho những người di cư mong muốn tìm đường sang châu Âu. Đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tại trụ sở của Liên minh châu Phi (AU) ngày 2/5.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch AU Moussa Faki Mahamat tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), ông Gabriel cho rằng người di cư đang phải sống trong "những điều kiện khủng khiếp" tại các trại tị nạn ở Libya và việc xây thêm các khu định cư như vậy không phải là giải pháp.

Ông cho rằng tình hình thực địa tại Bắc Phi cho thấy việc xây thêm các khu trại tị nạn không phải cách tiếp cận chính trị của Đức cũng như Liên minh châu Âu (EU). Mục tiêu của EU là ổn định các quốc gia ở Lục địa Đen.

Ủng hộ quan điểm của Ngoại trưởng Gabriel, Chủ tịch AU Faki Mahamat nhận định rất khó khăn để xây dựng các trại tị nạn hiệu quả để kiểm soát dòng người di cư tại khu vực rộng lớn như Sahara và Sahel. Theo ông, việc xây dựng các trại tị nạn chưa bao giờ là giải pháp tốt.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Đức ám chỉ khả năng hủy bỏ một thỏa thuận đạt được hồi tháng 2 giữa Italy và chính phủ được Liên hợp quốc bảo trợ tại Libya, theo đó EU sẽ chi trả cho các trại tị nạn tại quốc gia Bắc Phi này dành cho những người di cư muốn vượt biển Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, các nhóm cứu trợ người tị nạn từng nhiều lần bày tỏ quan ngại đối với các trại tị nạn kiểu tập trung này, cho rằng điều kiện sống tại các trại tị nạn rất tồi tệ và các trại đều nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm vũ trang đang chiếm đóng nhiều phần lãnh thổ Libya sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi năm 2011.

[Các nước EU tiếp nhận hơn 700.000 người tị nạn trong năm 2016]

Những người di cư đến Libya sau khi vượt sa mạc Sahara với mong muốn vượt biển Địa Trung Hải để vào Italy. Trong khoảng 500.000 người di cư vào Italy trong 3 năm trở lại đây, phần đông là đi qua con đường này.

Theo Liên hợp quốc, tính riêng trong năm nay đã có hơn 1.000 người bỏ mạng trong hành trình vượt biển tới châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục