Ngoại trưởng Lavrov: Nga xem xét đề nghị mua thêm khí đốt của Hungary

Sau cuộc gặp với người đồng cấp Hungary tại Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga sẽ xem xét yêu cầu mua thêm khí đốt của Hungary.
Ngoại trưởng Lavrov: Nga xem xét đề nghị mua thêm khí đốt của Hungary ảnh 1Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở Szazhalombatta, cách thủ đô Budapest, Hungary, khoảng 30km về phía Nam, ngày 5/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/7, phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Hungary, ông Peter Szijjarto, tại Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga sẽ xem xét yêu cầu mua thêm khí đốt của Hungary.

Tại cuộc họp báo, ông Szijjarto nói rằng để đảm bảo an toàn cho nguồn cung, Hungary cần thêm 700 triệu m3 khí đốt ngoài thỏa thuận cung cấp dài hạn hiện có với Nga.

Theo ông Szijjarto, các kho khí đốt của Hungary hiện chỉ đáp ứng hơn 27% nhu cầu tiêu thụ hàng năm của nước này.

[Hungary khẳng định không thể thay thế năng lượng của Nga]

Trong một tuyên bố, Chính phủ Nga cho biết Ngoại trưởng Szijjarto cũng đã hội đàm với Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công thương Nga Denis Manturov.

Phát biểu với Ngoại trưởng Hungary Szijjarto, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết: "Hiện nay, tình hình chính trị khá phức tạp, nhưng chúng tôi đánh giá cao quan điểm của Chính phủ Hungary, bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Chúng tôi quyết tâm phát triển hơn nữa các mối quan hệ giữa hai nước, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng."

Theo thỏa thuận kéo dài 15 năm đã ký với tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga vào năm ngoái, Hungary nhận được 3,5 tỷ m3 khí đốt mỗi năm qua Bulgaria và Serbia, và thêm 1 tỷ m3 qua đường ống từ Áo.

Trước đó, Ngoại trưởng Szijjarto cho biết Budapest đang thảo luận để mua thêm khí đốt trên thị trường trước khi mùa Đông đến, trong bối cảnh các nước châu Âu đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung và giá năng lượng tăng cao ngất ngưởng.

Theo ông Szijjarto, Hungary đang đàm phán với Nga về việc chuyển hướng toàn bộ lượng khí đốt trong thỏa thuận cung cấp lâu dài sang đường ống Turkstream đi qua Serbia.

Việc Hungary duy trì quan hệ với Nga kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, gây ra căng thẳng với một số đồng minh EU muốn có đường lối cứng rắn hơn với Nga.

Là quốc gia phụ thuộc khoảng 85% vào khí đốt vào Nga, Hungary phản đối các lệnh trừng phạt của EU đối với hoạt động nhập khẩu khí đốt từ Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục