Ngoại trưởng Mỹ Kerry tới Israel thảo luận về Syria

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Israel để gặp Thủ tướng Netanyahu bàn về tình hình Syria và đàm phán hòa bình với Palestine.
Ngày 15/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Israel để gặp Thủ tướng nước chủ nhà Benjamin Netanyahu bàn về tình hình Syria và đàm phán hòa bình với Palestine.

Sau khi tới sân bay Ben Gurion gần Tel Aviv, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã đến thẳng Jerusalem, nơi ông sẽ có cuộc thảo luận kéo dài bốn giờ với nhà lãnh đạo Israel trước khi đến thủ đô Paris của Pháp. Dự kiến, thỏa thuận khung mới đạt được giữa Nga và Mỹ về việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học ở Syria sẽ là một trong những chủ đề chính chi phối nội dung cuộc hội đàm.

Trong phát biểu đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp với ông Kerry và nhân kỷ niệm ngày các binh sĩ Israel thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1973, Thủ tướng Netanyahu bày tỏ hy vọng thỏa thuận trên sẽ dẫn đến việc "tiêu hủy hoàn toàn" kho vũ khí hóa học của Syria. Israel là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông và cũng là đối thủ lớn nhất của Syria trong khu vực.

Như để trấn an Israel và các đồng minh khác, trong phát biểu ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng thỏa thuận Mỹ-Nga không chỉ tạo cơ hội tiêu hủy kho vũ khí hóa học khổng lồ của Syria, mà còn hứa hẹn chấm dứt mối đe dọa của loại vũ khí này đối với khu vực và thế giới.

Theo ông, cộng đồng quốc tế hy vọng Syria sẽ làm theo những cam kết công khai của nước này trong việc bàn giao kho vũ khí hóa học. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng vẫn còn nhiều việc phải làm ngay cả khi thỏa thuận này đạt được tiến triển.

Trong khi đó, nhiều nước bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận Nga-Mỹ về tiêu hủy kho vũ khí của Syria. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng thỏa thuận giúp ngăn chặn một cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tại cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Laurent Fabius đang ở thăm Bắc Kinh, ông Vương Nghị nói: "Trung Quốc hoan nghênh thỏa thuận chung Mỹ-Nga giúp làm giảm tình hình căng thẳng ở Syria." Ông Fabius gọi thỏa thuận trên là "một bước tiến quan trọng" và rằng "cần phải có những quyết định quan trọng về vấn đề Syria."

Người đứng đầu Liên đoàn Arab (AL) Nabil Al-Arabi cho rằng thỏa thuận Nga-Mỹ sẽ giúp tìm giải pháp chính trị cho cuộc chiến tại Syria. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố Tokyo hoan nghênh thỏa thuận kiểm soát và loại bỏ vũ khí hóa học của Syria dưới sự giám sát quốc tế, đồng thời muốn chính phủ Syria "đáp lại chân thành."

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle đưa ra đề nghị hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria. Trước đây, Đức từng giúp tiêu hủy vũ khí hóa học ở Libya và một số nước khác.

Chính giới Syria cũng có phản ứng tích cực về thỏa thuận Nga-Mỹ. Trả lời phỏng vấn hãng Ria Novosti của Nga ngày 15/9, Quốc vụ khanh hòa giải dân tộc của Syria Ali Haidar cho rằng thỏa thuận này đã ngăn ngừa một cuộc chiến tranh và là "thắng lợi cho Syria."

Ông Haidar nói: "Thỏa thuận này một mặt giúp người dân Syria vượt qua cuộc khủng hoảng, mặt khác cho phép ngăn ngừa chiến tranh nhằm vào Syria... Đây là một thắng lợi đối với Syria, thắng lợi đạt được nhờ những người bạn Nga của chúng tôi."

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ có phản ứng thận trọng hơn khi cảnh báo không nên để chính phủ Syria lợi dụng thỏa thuận tiêu hủy vũ khí hóa học để kéo dài thời gian. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo thời gian tiêu hủy vũ khí (dự kiến từ nay đến giữa năm 2014) đủ lâu để Damascus lợi dụng làm nhiều việc khác.

Cùng quan điểm trên, phe đối lập Syria yêu cầu cộng đồng quốc tế áp đặt lệnh cấm kép đối với chính quyền của Tổng thống Assad, theo đó vừa cấm chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học, vừa cấm sử dụng không quân tại các khu đô thị.

Tuyên bố của phe đối lập có đoạn: "Liên minh Dân tộc Syria (SNC) khẳng định việc cấm sử dụng vũ khí hóa học - công cụ vốn đã làm 1.400 dân thường thiệt mạng - nên được mở rộng sang cả việc sử dụng tên lửa đạn đạo và máy bay nhằm vào các khu vực đô thị"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục