Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi quốc hội hoãn trừng phạt Iran

Ông Kerry nói rằng ông không phản đối việc thông qua biện pháp cấm vận nhưng trừng phạt Tehran ở thời điểm này là "không có lý do."

Ngoại trưởng John Kerry ngày 10/12 một lần nữa lên tiếng hối thúc Quốc hội Mỹ trì hoãn thêm một thời gian việc thông qua các biện pháp mới siết chặt cấm vận Iran.

Ông Kerry lên tiếng hối thúc trong bối cảnh Nhà Trắng cùng các nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức (nhóm P5+1) đang theo đuổi nỗ lực ngoại giao giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

Trong cuộc điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Ngoại trưởng John Kerry nói rằng ông không phản đối việc thông qua các biện pháp cấm vận nhưng trừng phạt Tehran ở thời điểm này là "không có lý do" và có thể sẽ là cái cớ để Iran thay đổi thỏa thuận ngày 24/11 vừa qua.

Ông Kerry đề nghị các nhà lập pháp cho các nhà đàm phán và chuyên gia có thêm thời gian để tiếp tục theo đuổi thỏa thuận vừa ký kết, theo đó Iran ngừng làm giàu urani trên mức 5% trong sáu tháng, vô hiệu hóa kho urani đã làm giàu ở mức 20%, ngừng vận hành lò phản ứng nước nặng Arak, đổi lấy việc Mỹ và các đồng minh phương Tây nới lỏng một số biện pháp trừng phạt.

Ngoại trưởng Kerry thừa nhận Nhà Trắng, cũng như các nghị sỹ Mỹ, vẫn còn nhiều hoài nghi về tính chân thật và nghiêm túc của Tehran, nhưng xác định "chúng ta đang có cơ hội thuận lợi chưa từng có" để thương lượng về một hiệp định toàn diện liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi hơn một thập kỷ qua của Iran.

Ông tỏ ra quan ngại về khả năng Iran chưa sẵn sàng cho việc đàm phán về thỏa thuận này và có thể thay đổi tính toán về chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, ông Kerry cho rằng sự nghiêm túc của Iran sẽ được thử thách trong giai đoạn sáu tháng đề ra trong thỏa thuận sơ bộ.

Theo thỏa thuận bước đầu với Iran hồi tháng trước, nhóm P5+1 cam kết không áp đặt thêm bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào trong vòng sáu tháng. Tổng thống Barack Obama ngày 8/12 cũng xác định cơ hội đạt được thỏa thuận cuối cùng với Iran chỉ ở mức 50%, song vẫn cho rằng cho rằng giải pháp ngoại giao là tối ưu để ngăn chặn Tehran sản xuất vũ khí hạt nhân.

Trước đó, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif ngày 9/12 tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt mới sẽ "giết" thỏa thuận mới đạt được ngày 24/11 vừa qua.

Lời kêu gọi của Nhà Trắng đã nhận được sự ủng hộ quan trọng từ Thượng viện Mỹ sau khi Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Tim Johnson tuyên bố sẽ không tán thành áp đặt biện pháp trừng phạt bổ sung với Iran trong giai đoạn này.

Thông báo của Thượng nghị sỹ Tim Johnson ngày 10/12 nói rõ: "Tổng thống và Ngoại trưởng đã khẩn thiết đề nghị Quốc hội tạm ngừng áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung mới chống Iran. Tôi ủng hộ lời kêu gọi trên và quyết định hoãn phiên họp của ủy ban về vấn đề này."

Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện có nhiệm vụ giám sát điều luật trừng phạt tại Thượng viện. Trước đó, cơ quan này đã tiến hành các phiên tranh luận trong nhiều tháng qua về việc liệu có nên tiếp tục các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran.

Tuy nhiên, ngày 9/12, trong khi các chuyên gia của Iran và nhóm P5+1 bắt đầu các cuộc thương lượng mới tại Vienna (Áo), một số nghị sỹ hàng đầu của Thượng viện Mỹ vẫn cảnh báo đã sẵn sàng thông qua các biện pháp siết chặt cấm vận nếu Tehran không thực hiện đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận tạm thời mới ký kết hồi tháng trước.

Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện và Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mark Kirk cho biết họ đã gần đạt được sự nhất trí về một dự luật theo đó siết chặt cấm vận đối với nguồn dự trữ ngoại hối, nguồn dầu mỏ xuất khẩu còn lại và các ngành công nghiệp chiến lược khác của Iran. Các biện pháp trừng phạt này dự kiến được đưa vào các dự luật bắt buộc phải thảo luận và thông qua trong tuần tới như dự luật chi tiêu quốc phòng.

Ngày 10/12, Iran đã phủ nhận thông tin báo chí về việc Tehran và Washington đang tổ chức các cuộc đàm phán bí mật song song với quá trình thương lượng hạt nhân giữa nước này và các cường quốc thế giới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran khẳng định: "Không có đàm phán bí mật với Mỹ. Vấn đề hạt nhân được thảo luận trong các cuộc thương lượng và trong khuôn khổ đàm phán với nhóm P5+1."

Trước đó, truyền thông Phương Tây cho rằng Mỹ và Iran đã bí mật tiến hành một loạt cuộc đàm phán trực tiếp cấp cao trong suốt năm qua để mở đường cho thỏa thuận lịch sử vừa đạt được tại Geneva.

Cùng ngày, Iran đã bác bỏ đề nghị của Tổng thống Israel Simon Peres về một cuộc gặp với Tổng thống Iran. Thông báo của Bộ Ngoại giao Iran nói rằng đề nghị của Tel Aviv nhằm giúp Nhà nước Do Thái này thoát khỏi thế cô lập do đã phản đối thỏa thuận hạt nhân sơ bộ giữa Iran với nhóm P5+1. Iran khẳng định sẽ không thay đổi lập trường và "không bao giờ công nhận" nhà nước Do Thái./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục