Ngoại trưởng Nga lạc quan về quan hệ Nga-Việt

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh, với những kết quả đã đạt được ông hoàn toàn lạc quan về tương lai quan hệ Nga-Việt.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov khẳng định Việt Nam thường xuyên giữ vị trí ưu tiên trong chính sách của nước Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và ông lạc quan về tương lai phát triển của quan hệ Nga-Việt.

Bộ trưởng Sergey Lavrov đã phát biểu như vậy tại cuộc trả lời phỏng vấn các phóng viên thường trú TTXVN, VTV và VOV tại Mátxcơva nhân kỷ niệm lần thứ 60 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga (30/1/1950-30/1/2010).

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Xin Bộ trưởng cho biết những thành tích chủ yếu mà nhân dân hai nước đã đạt được trong 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga?


Bộ trưởng Sergey Lavrov: Quan hệ với Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt với nước Nga. Trong 60 năm qua, hai nước đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách, nhưng vẫn duy trì được mối quan hệ hữu nghị và tin cậy, yêu mến và tôn trọng lẫn nhau. Đây là một trong những thành tích chủ yếu của chúng ta.

Trong đầu thế kỷ XXI, những cuộc tiếp xúc chính trị cấp cao tích cực đã đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên một mức độ mới về chất. Quan hệ đó hoàn toàn đáp ứng lợi ích sống còn của nhân dân hai nước, là nhân tố quan trọng để củng cố an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khi thực hiện chính sách đối ngoại đa dạng, Nga và Việt Nam đều chú trọng tăng cường phối hợp hành động giữa hai nước.

Cơ sở vững chắc cho sự phối hợp đó là kinh nghiệm hợp tác tích lũy được trong hầu hết các lĩnh vực thiết yếu hiện nay. Biểu tượng của sự hợp tác hiệu quả giữa Nga và Việt Nam là Nhà máy thủy điện "Hòa Bình", Xí nghiệp liên doanh về thăm dò và khai thác dầu-khí "Vietsopetro" cùng nhiều công trình khác đang góp phần tăng cường tiềm lực công nghiệp của Việt Nam.

Những ngành khác đã trở thành biểu tượng hợp tác truyền thống Nga-Việt gồm giáo dục, đào tạo cán bộ, lĩnh vực nhân đạo.

Hàng chục nghìn người Việt đã tốt nghiệp các trường Đại học và Cao đẳng ở Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay đang góp phần phát triển đất nướcViệt Nam phồn vinh. Hai nước thường xuyên tổ chức "Những ngày Văn hóa" và "Liên hoan phim", thường xuyên mời các đoàn nghệ thuật tới nhau biểu diễn và tổ chức các cuộc triển lãm chuyên đề.

Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến tình cảm chân tình và nồng thắm mà nhân dân Việt Nam dành cho nước Nga và nhân dân Nga. Người Nga cũng đáp lại với một tình cảm như vậy.

Xin ngài Bộ trưởng đánh giá tình hình và triển vọng quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga?


Bộ trưởng Sergey Lavrov: Sau thời kỳ không đơn giản của những năm 90 thế kỷ trước, quan hệ Nga-Việt đã bước sang một giai đoạn mới, đang phát triển năng động và đi lên. Cơ sở của mối quan hệ này là Tuyên bố chung về đối tác chiến lược ký tháng 3/2001 trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Liên bang Nga.

Trong thời gian qua, chúng ta đã tìm được các giải pháp tối ưu cho những vấn đề đa dạng của sự hợp tác song phương. Đối thoại chính trị ở tất cả các cấp, trước hết là cấp cao, đang được tăng cường.

Trong 10 năm qua, Tổng thống Liên bang Nga đã hai lần thăm chính thức Việt Nam (2001 và 2006), đồng thời, Thủ tướng Nga cũng đã có hai chuyến thăm chính thức tới Việt Nam (2002-2006).

Thời gian này, Nga đã đón tiếp Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2002), hai lần đón Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2004-2008), ba lần đón tiếp Thủ tướng Việt Nam (2000, 2007 và 2009).

Kết quả hội đàm giữa Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tại Mátxcơva vào tháng 10/2008 và kết quả chuyến thăm làm việc tại Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 12/2009 đã góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện giữa chúng ta.

Nga và Việt Nam có quan điểm giống nhau về phần lớn các vấn đề quốc tế chủ chốt trong giai đoạn phát triển bước ngoặt hiện nay của thế giới. Hai nước nhất quán ủng hộ các nguyên tắc tập thể trong chính sách thế giới, ủng hộ việc hình thành một hệ thống quốc tế đa cực dựa vào luật pháp quốc tế và ngoại giao đa phương, trong đó Liên hợp quốc đóng vai trò trọng tâm. Điều đó đã được khẳng định trong thời gian Việt Nam đảm đương sứ mệnh Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009).

Hai nước cũng hợp tác hiệu quả trong khuôn khổ các diễn đàn nhiều bên. Nga và Việt Nam đều có chung quan điểm là cộng đồng quốc tế cần phải tìm kiếm những lời giải đáp hiệu quả cho những nguy cơ và thách thức toàn cầu như hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, hoạt động khủng bố và cực đoan quốc tế, tình trạng buôn bán ma túy, tội phạm có tổ chức và thiếu hụt các nguồn tài nguyên.

Các cuộc tiếp xúc thường xuyên cũng đã được tiến hành giữa Quốc hội hai nước, hai bộ Ngoại giao đã phối hợp hành động chặt chẽ và nhịp nhàng. Hai bên đang tích cực trao đổi các đoàn đại biểu cấp bộ-ngành, tỉnh-thành và giới doanh nghiệp.

Hợp tác kinh tế-thương mại đã trở thành bộ phận tổ thành quan trọng nhất trong quan hệ giữa hai nước chúng ta. Theo kết quả sơ bộ, bất chấp hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Nga và Việt Nam vẫn tăng và trong 10 tháng đầu năm 2009 đã đạt hơn 1,5 tỷ USD - mức kỷ lục trong vòng 20 năm qua.

Hai nước đang hợp tác rất hiệu quả trong các lĩnh vực nhiên liệu-năng lượng, chế tạo máy và thiết bị, bưu điện và viễn thông. Nhìn chung, kết quả phát triển quan hệ Nga-Việt cho phép chúng ta lạc quan nhìn vào tương lai.

Xin ngài đánh giá về vai trò của Việt Nam trong hướng châu Á của chính sách đối ngoại Liên bang Nga, đặc biệt trong năm 2010, Việt Nam đảm đương chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)?


Bộ trưởng Sergey Lavrov:
Việt Nam thường xuyên giữ vị trí ưu tiên trong chính sách của nước Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nga và Việt Nam đang hợp tác hiệu quả tại khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương, trước hết trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và trong khuôn khổ đối thoại Nga-ASEAN.

Tôi tin tưởng rằng quan hệ Nga-Việt sẽ được tăng cường hơn nữa trong năm nay, khi Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN. Liên bang Nga coi trọng quan hệ hợp tác với tổ chức uy tín này và là đối tác đối thoại toàn diện của ASEAN.

Tôi hy vọng với sự hỗ trợ tích cực của các bạn Việt Nam, Hội nghị cấp cao Nga-ASEAN lần thứ hai sẽ được tổ chức thành công vào mùa Thu tới tại Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục