Ngoại trưởng Nga tố Mỹ "hăm dọa" về vấn đề Syria

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc Mỹ hăm dọa Nga để ủng hộ một nghị quyết cứng rắn của Liên hợp quốc đối với Syria.
Kênh truyền hình số 1 của Nga ngày 22/9 đã phát bài phỏng vấn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về những cáo buộc sử dụng vũ lực của phương Tây. Trong bài trả lời phỏng vấn, ông Lavrov cho rằng phương Tây không tập trung tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria, mà mưu toan thúc đẩy nghị quyết của Hội đồng Bảo an cho phép sử dụng vũ lực chống chính quyền Damascus với lý do viện các điều khoản trong chương VII của Hiến chương LHQ.

Theo ông Lavrov, trong khi cần chờ đợi quyết định của Tổ chức cấm sử dụng vũ khí hóa học về việc giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria, thì các đối tác lại Mỹ bắt đầu đe dọa. Điều này hoàn toàn xa rời tinh thần đạt được trong cuộc gặp giữa ông với người đồng cấp Mỹ John Kerry hôm 14/9, trong đó hai bên nhất trí sẽ chờ quyết định của Tổ chức cấm sử dụng vũ khí hóa học trước khi tìm đến nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Nhưng ngay cả khi phải sử dụng đến nghị quyết của Hội đồng Bảo an thì cũng không viện đến chương VII.

Ông Lavrov nói: "Các đối tác Mỹ đang bắt đầu hăm dọa chúng tôi: nếu Nga không ủng hộ một nghị quyết theo Chương 7 (Hiến chương LHQ) tại Hội đồng Bảo an, thì chúng ta sẽ ngừng công việc tại Tổ chức cấm vũ khí hóa học"

Trong bài trả lời phỏng vấn, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng bày tỏ ngạc nhiên khi các đối tác phương Tây thờ ơ trước khả năng hiếm hoi có thể giúp giải quyết vấn đề vũ khí hóa học của Syria. Ông kêu gọi các chính trị gia có trách nhiệm quan tâm tới sự ổn định của khu vực Trung Đông hơn là tập trung vào nỗ lực thông qua nghị quyết sử dụng vũ lực.

Ông nhấn mạnh, các đối tác phương Tây đang bị "lóa mắt" bởi tham vọng thay đổi chế độ ở Syria và ý nghĩ cho rằng có thể đòi Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi.

Ông Lavrov kết luận, đối với tình hình Syria, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo giải pháp chính trị trên tinh thần của thỏa thuận Geneva ngày 30/6/2012 có chữ ký của tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, Liên đoàn Arập (AL), Liên minh châu Âu (EU) và các nước láng giềng của Syria. Thỏa thuận này phải được tất cả các nước xem là cơ sở duy nhất cho giải quyết khủng hoảng Syria./.


(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục