
Ngày 15/2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bắt đầu chuyến công du đến một số quốc gia châu Phi ở vùng Nam Sahara- khu vực duy nhất trên thế giới mà ông chưa từng đến thăm.
Điều này đã khiến dư luận chú ý.
Mỹ đang xem xét cắt giảm lực lượng ở châu Phi. Washington cũng đã siết chặt các yêu cầu để cấp thị thực cho các công dân của châu lục này.
Trước đó, Tổng thống Trump cũng đã "nổi tiếng" với việc sử dụng từ ngữ “thô tục” đối với các quốc gia tại Lục địa đen.
Bất chấp những điều tiêu cực này, người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Mỹ, ông Mike Pompeo, đang mang trên mình sứ mệnh “vẽ nên một bức tranh” khả quan về mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và châu Phi thông qua chuyến thăm, lần đầu tiên, đến châu Phi-Nam Sahara, kể từ khi ông chính thức nhậm chức 2 năm trước.
[Chuyên gia nhận định về chuyến công du châu Phi của Ngoại trưởng Mỹ]
Trong chuyến thăm lần này, ông Pompeo sẽ đến Senegal, Angola, và Ethiopia.
Những quốc gia này được lựa chọn vì Washington muốn ràng buộc lãnh đạo của họ với các giá trị dân chủ, trong một khu vực vốn nổi tiếng về sự suy giảm dân chủ trong những năm gần đây.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định cả 3 nước mà ông đến thăm trong chuyến công du này đã có những đóng góp to lớn cho sự ổn định của khu vực.
Bên cạnh đó, cả Senegal, Angola và Ethiopia đều có những nhà lãnh đạo năng động.
Sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc - thông qua các khoản đầu tư to lớn vào cơ sở hạ tầng - sẽ là một chủ đề chính của chuyến thăm lần này.
Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Angola và đến nay, tổng các khoản tín dụng mà Bắc Kinh cấp cho nước này đã lên đến 25 tỷ USD. Angola sẽ từng bước trả các khoản nợ trên thông qua dầu mỏ.
Mỹ đã nhiều lần cảnh báo các nước đang phát triển trên thế giới nói chung và tại châu Phi nói riêng về bẫy nợ của Trung Quốc. Với việc nhận tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, nhiều nước đã trở thành các con nợ khổng lồ của Bắc Kinh.
Nhận thức được mối nguy hiểm tiềm tàng từ các khoản viện trợ phát triển của Trung Quốc, nhiều nước châu Phi đã mời chào khu vực tư nhân của Mỹ như một sự thay thế.
Ông Mike Pompeo khẳng định ông rất quan tâm đến sự tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư tại châu lục mà dân số sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.
Theo ông Pompeo, dân số trẻ sẽ là động lực tăng trưởng, giúp mang lại sự độc lập kinh tế và tăng trưởng tốt hơn. Chính vì vậy, Mỹ mong muốn giúp đỡ châu Phi phát huy nguồn lực này.
Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ đã không đưa ra những tín hiệu rõ ràng về sự hỗ trợ cho châu Phi trước chuyến thăm của ông Pompeo.
Trong tuần qua, Lầu Năm Góc tuyên bố điều chỉnh lực lượng của Mỹ ở châu Phi, tập trung tái phân bổ các nguồn lực để đối phó với Trung Quốc, Nga và Iran.
Pháp, quốc gia đang triển khai một lực lượng chống thánh chiến với 4.500 binh sỹ ở khu vực Sahel, và đang hưởng lợi từ viện trợ hậu cần từ Washington, đã đặc biệt quan ngại trước những tác động tiêu cực có thể xảy ra cho cuộc chiến chống khủng bố trong trường hợp Mỹ cắt giảm ngân sách quân sự cho châu Phi.
Giáo sư Ahmadou Aly Mbaye của Đại học Cheikh Anta Diop-Dakar nhận định rằng việc Mỹ đưa ra những tín hiệu về việc rút quân khỏi Sahel sẽ gây ra nhiều lo ngại ở Senegal và các quốc gia khác trong khu vực Sahel.
Một vài tuần trước chuyến công du của ông Pompeo, Mỹ đã quyết định thắt chặt việc cấp thị thực đối với 6 nước châu Phi, trong đó có Nigeria và Sudan, cho rằng các nước này phải giải quyết “những vấn đề kỹ thuật về an ninh.”
Người ta cũng không thể quên được năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng gọi các quốc gia châu Phi có người nhập cư đến Mỹ là “đất nước tồi tệ.”
Người tiền nhiệm của ông Mike Pompeo là ông Rex Tillerson, đã có chuyến công du đến khu vực Nam Sahara vào tháng 3/2018.
Đây là chuyến đi không may mắn đối với ông Tillerson vì ông đã bị Tổng thống Donald Trump sa thải ngay sau khi trở về.
Một cựu chuyên gia ngoại giao Mỹ bày tỏ bất ngờ đối với chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo.
Liệu đây có phải là một phần trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, trong bối cảnh chỉ trước đó không lâu, Chính quyền của Tổng thống Trump tuyên bố giảm ngân sách đối với viện trợ an ninh và các hoạt động khác tại châu lục này? Và Washington cũng không thể thực hiện một chính sách châu Phi thông qua chuyến thăm tới vài quốc gia, tại một châu lục rộng lớn.
Chính vì vậy, chuyến thăm của ông Pompeo tới vùng Nam Sahara, khu vực duy nhất trên thế giới mà ông chưa từng đến thăm, đã khiến dư luận quan tâm và đang tìm kiếm câu trả lời về bản chất của chuyến công du./.