Ngoại trưởng Triều Tiên có cuộc gặp hiếm hoi với Ngoại trưởng Nga

Chuyên gia của Viện Nghiên cứu phương Đông của Moskva nhận định hiện nay, điều quan trọng đối với Triều Tiên là tập hợp sự ủng hộ, bao gồm từ phía Nga, để hậu thuẫn cho chính quyền Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Triều Tiên có cuộc gặp hiếm hoi với Ngoại trưởng Nga ảnh 1 Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho (giữa) tới sân bay ở ngoại ô Moskva, Nga ngày 9/4. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

AFP đưa tin, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho sẽ có cuộc gặp hiếm hoi với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại thủ đô Moskva trong ngày 10/4 giữa lúc Bình Nhưỡng tiến tới cải thiện các mối quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng.

Hơn nữa, chuyến thăm Nga của ông Ri Yong-ho lại diễn ra trước thềm các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Triều-Mỹ trong vài tuần tới.

Ông Alexander Vorontsov, chuyên gia về khu vực đến từ Viện Nghiên cứu phương Đông của Moskva phân tích: "Hiện nay, điều cực kỳ quan trọng (đối với Triều Tiên) là tập hợp sự ủng hộ, bao gồm từ phía Nga, để hậu thuẫn cho chính quyền Bình Nhưỡng." 

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cho hay hai ông Lavrov và Ri Yong-ho sẽ thảo luận về các cách thức giải quyết căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên cũng như bàn về các chủ đề khác.

[Hãng TASS: Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đã đến Nga]

Trong một thông báo trước thềm cuộc gặp ngoại trưởng hai nước, bộ trên đã hoan nghênh "những chiều hướng tích cực" trong khu vực.

Moskva đã ủng hộ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Nga vẫn có mối quan hệ tương đối nồng ấm với Triều Tiên khi hai nước có chung đường biên giới trên bộ và Moskva cung cấp một số viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng.

Tuần trước, ông Ri Yong-ho đã đến Bắc Kinh để hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Bắc Kinh tháng trước.

Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un kể từ khi ông kế nhiệm cha mình hồi năm 2011.

Chuyến thăm được xem là động thái hòa giải sau thời gian dài căng thẳng gia tăng do các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục