Ngoảnh đầu nhìn lại

LH các vở diễn của Lưu Quang Vũ: Ngoảnh đầu nhìn lại

LH có 12 buổi diễn, không buổi nào dư chỗ, đã 25 năm, nhưng tên tuổi của Lưu Quang Vũ vẫn còn nguyên trong lòng khán giả nhiều thế hệ...
Liên hoan các vở diễn sân khấu của tác giả Lưu Quang Vũ đã kết thúc sau một tuần liên tục. 12 buổi diễn, không buổi nào không chật kín khán giả. Rạp Công Nhân, rạp Đại Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ lại được trở về cảm giác trong những ngày hoàng kim của sân khấu. Để có chỗ, khán giả đến sớm 1 tiếng, thậm chí 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Nơi tưởng niệm nhà viết kịch đặt trong các rạp đều được các khán giả thắp hương và cúi đầu. Đã 25 năm, nhưng tên tuổi của Lưu Quang Vũ vẫn còn nguyên trong lòng rất rất nhiều người.

Một số người thể hiện sự hoài nghi, họ cho rằng khán giả đến chật rạp là vì giấy mời miễn phí. Tôi có thể đảm bảo một điều, nếu không phải vì tên tuổi của Lưu Quang Vũ, không dễ để lôi khán giả đến rạp đông đến vậy, ngay cả với "miếng mồi miễn phí.”

Sự hoài nghi thậm chí ở mức cao hơn - hoài nghi “chất lượng khán giả”! Xin thưa rằng, Lưu Quang Vũ (hay những kịch tác gia khác trên thế giới) viết kịch là cho tất cả chúng ta, chứ không viết cho những vị trình độ giỏi giang, kiến thức thâm sâu đứng cao hơn thiên hạ để phán xét. Nếu sân khấu chỉ để nhằm phục vụ và đón đợi sự tán thưởng của những người “cao sang” kia, thì sân khấu sẽ tàn lụi. Công chúng quay lưng lại sân khấu, và các nghệ sỹ đóng cửa diễn cho nhau xem chăng?

Những điểm nhấn và những điều... tiếc


Để ngoảnh lại, một ký ức, một sự lắng đọng xin điểm qua vài nét chính nổi bật từ Liên hoan.

Về đạo diễn, tôi chú ý tới cách dựng vở của hai đạo diễn: Ngọc Bình và Chí Trung. Ngọc Bình có lối dàn dựng chắc tay, tận dụng tốt mọi chi tiết, không bỏ sót, không “đầu voi đuôi chuột.” Tiếc là vở “Điều không thể mất” của Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế có phần sau hơi rối và việc lý giải tâm lý nhân vật không được thấu đáo cho lắm, nếu không thì đó mới là vở gây ấn tượng vào bậc nhất.

Đối với việc dựng vở, tuổi nghề đạo diễn của Chí Trung là rất trẻ. Trước nay, anh bị gắn với hài kịch, và không ít người hoài nghi về tay nghề của anh. Thậm chí, sau khi anh chính thức được Ban Giám khảo trao giải thưởng duy nhất cho đạo diễn, thì bạn nghề cùng Nhà hát vẫn lên tiếng dè bỉu và phản đối. Công bằng mà nói, “Mùa hạ cuối cùng” không phải là vở mà chúng ta có thể thấy nhiều chiêu trò của đạo diễn. Việc Chí Trung kết hợp với điện ảnh cũng không mới, đã có người làm. Điều đáng chú ý là ở chỗ, vở được làm gọn ghẽ, ổn thỏa.

Ngay cả việc Chí Trung đặt nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc viết riêng ca khúc cũng là điều đáng nói - anh đã tìm được đúng vấn đề cần đầu tư; ca khúc chính của vở đã gây không ít cảm xúc trong người xem. Nó có thể được coi là một sự "chọn mặt gửi vàng'" và để thấy anh đã coi tác phẩm của Lưu Quang Vũ là một thứ vàng đích thực, cần chế tác một cách hoàn hảo nhất, nghiêm túc nhất.

 Một đạo diễn tìm đúng những gì cần để gợi lên cảm xúc và chuyển tải nội dung đến khán giả, đó là một đạo diễn tốt. “Mùa hạ cuối cùng” tạo ra được sự đầy đặn của tổng thể, đây là điều thiếu ở nhiều vở. Ví dụ, “Hồn Trương Ba da hàng thịt” bản hình thể của Lan Hương. Ngôn ngữ hình thể không hề dở, không ít tìm tòi - nhưng những lời thoại tự chế lại lạc lõng và nhạt nhẽo giữa những cố gắng đến quên mình trong trình diễn ngôn ngữ hình thể của diễn viên. Tôi gọi việc đưa những lời thoại như vậy vào là sự “tự hại mình” của đạo diễn. Bên cạnh đó, Liên hoan đã chứng kiến sự nhạt nhòa của những tên tuổi vốn khá “rộn rã” trong làng sân khấu. Biết làm sao được, đường thì xa...

Về diễn viên, có hai cái tên cần nhắc đến. Một là Quốc Chiêm. Anh là trường hợp hiếm hoi trong Liên hoan chỉ đóng hồi 2 của vở (“Nàng Sita” - vở diễn đã từng làm nên tên tuổi của anh), nhưng vừa xuất hiện đã tạo ra được hứng khởi của bạn diễn xung quanh và truyền được nhiệt huyết xuống khán giả dù tuổi tác đã ảnh hưởng không ít tới chàng Pơliêm chói sáng của hơn 20 năm về trước.

Người kia là Tạ Vũ Thu. Đây là trường hợp duy nhất không được trao giải khá đáng tiếc. Vừa đảm nhiệm việc biên đạo, vừa nhận luôn vai Hợi hàng thịt, có thể nói Tạ Vũ Thu là xương sống của vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” bản hình thể. Tôi cho rằng, nếu không bị ảnh hưởng (và khuất lấp) bởi những câu thoại triết lý nửa mùa trong cả vở, chắc chắn vai của Tạ Vũ Thu (vốn rất ấn tượng, nếu không nói là ấn tượng nhất nhì trong toàn Liên hoan) khó tuột Huy chương Vàng được. Bên cạnh đó, những cố gắng của các diễn viên trẻ là khá rõ, nhưng để nổi bật lên thì thật khó. Họ còn thiếu sự khổ luyện, thiếu cảm giác máu thịt với sân khấu và từng vai diễn.

Tôi đánh giá cao sự cố gắng của Ban tổ chức. Họ đã tạo ra được một sự kiện, một đột biến trong đời sống sân khấu của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sau một thời gian dài ứ trệ. Rất nhiều người ngạc nhiên vì với số lượng khán giả đông như vậy, mà Liên hoan không bán vé.

Cần hết sức thông cảm cho Ban tổ chức, chắc chắn nếu họ bán vé, tình trạng trống vắng sẽ lại diễn ra. Sân khấu phía Bắc vẫn đang dừng lại ở cách chọn dựng vở và bán vé như cách đây vài chục năm mà không có đột phá. Việc chọn dựng vở, đầu tư và kinh doanh phải được những nhà kinh doanh chuyên nghiệp làm; và phải bắt đầu từ Nhà sản xuất. Cách làm kiểu dựng xong vở mới đi tìm cách bán vé, đi tìm đầu ra đã quá lạc hậu.

Đặt bên cạnh điện ảnh và ca nhạc, hệ thống tiếp thị quảng bá sản phẩm của sân khấu quá oặt oẹo và tự phát. Lẽ ra, nếu được mạnh dạn tin tưởng và trao việc quảng bá tiếp thị kinh doanh vào bàn tay nhà nghề, Liên hoan lần này sẽ không chỉ dừng lại ở việc mỗi vở diễn chỉ một buổi và giấy mời miễn phí. “Nàng Sita,” “Lời thề thứ 9,” “Mùa hạ cuối cùng”... chắc chắn kéo được thêm nhiều suất diễn nữa liên tục sau buổi diễn đầu tiên. Kể cũng tiếc...
 
Sau liên hoan, còn đọng lại gì?


Đọng lại ở cách hành xử. Đối với một Liên hoan mà việc tưởng niệm đặt lên hàng đầu, và lễ trao giải được diễn ra trong ngày giỗ Tổ nghề, thì hành xử sao cho đàng hoàng, sao cho phải... mới là quan trọng nhất.

Mê danh đắm lợi quá, cao ngạo ngông cuồng quá... đều không phải là cách hành xử ở một chốn, một dịp mà khi bước vào, ai cũng nên khẽ cúi đầu. Có nhiều cách bày tỏ sự biết ơn, nỗi nhớ và tấm lòng đối với Nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ. Ai chân thành, thiên hạ biết. Ai chỉ mượn cớ để mà giương danh, tìm lợi và ra vẻ cao ngạo, thiên hạ cũng biết. Mỗi cuộc thi, đều có người bằng lòng, người không bằng lòng. Nhưng sau hết, thì phải còn lại tình người chứ?

Đã hai ngày nay, tôi không còn được sống trong không khí những vở kịch của Nhà viết kịch mà tôi yêu mến. Mùa Thu đang qua những ngày thật đẹp trước Tết trăng tròn - ngày Tết của con trẻ, của yêu thương và không vụ lợi. Tôi chợt nhận ra, mùa Thu cũng vô cùng yêu mến Lưu Quang Vũ. Trước Liên hoan, mưa sụt sùi hơn một tuần. Vậy mà suốt những ngày Liên hoan, mưa chỉ đủ nhẹ như để thêm một chút rưng rưng vào nỗi nhớ. Chắc mùa Thu vẫn chưa quên những câu thơ ngày xưa Anh viết: "Ta ngoảnh đầu nhìn lại tháng năm dài/Mùa thu ấy vẫn còn nguyên ở đó."

Vâng, vẫn còn nguyên những yêu thương, xót xa và nỗi nhớ tiếc một người đã đi qua nền sân khấu Việt Nam, và để lại một gia tài quý giá.

Như câu đồng thanh “Lưu Quang Vũ, chúng em nhớ anh” còn vọng lại, vẫn còn nguyên ở đó, cả một mùa Thu...

Lưu Sơn Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục