"Ngọc Hân công chúa" - đẹp như thơ và khắc khoải

"Ngọc Hân công chúa" - bài thơ đẹp mà bạc mệnh

Khán giả chật kín rạp để đón xem vở chèo "Ngọc Hân công chúa"- vở diễn mà cả nhân vật, tác giả lẫn kịch bản đều đẹp như thơ mà đều bạc mệnh...
Vở thứ hai trong Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ là vở đầu tiên diễn ra buổi sáng. Và bất chấp những dự đoán của người này người kia về giờ giấc trùng với giờ làm việc, rạp Đại Nam (Hà Nội) vẫn chật kín khán giả.

Nhiều người đến sát giờ phải khó khăn lắm mới tìm được chỗ ngồi. Có thể nói, hiện tượng này là khá hiếm.

"Ngọc Hân công chúa" là một kịch bản khá đặc biệt của Lưu Quang Vũ. Kịch bản đậm chất văn học, chất thơ và ít kịch tính.

Rất có thể kịch bản đẹp như một bài thơ mà Lưu Quang Vũ cảm tác là để dành tặng một người - nàng công chúa tài ba của Lê triều với bài "Ai tư vãn" lừng danh, hoặc có thể là một ai khác...

Điều đó là một thuận lợi, nhưng cũng là một khó khăn cho các đạo diễn khi bắt tay vào dựng vở. Nếu cố bám giữ chuyển tải thuần chất văn học, chất thơ... thì các dấu ấn đạo diễn sẽ khó thể hiện. Còn ngược lại, nếu đạo diễn tung hoành, rất có thể hồn cốt mênh mang của vở sẽ bay đi không ít.

Vở diễn của Nhà hát Chèo Hà Nội rơi vào trường hợp thứ nhất. Đạo diễn chấp nhận lựa chọn trung thành với hồn thơ, quên đi thể hiện cá nhân. Và trên một cái nền như thế, nếu có bản lĩnh và kỹ thuật, các diễn viên sẽ có cơ hội bộc lộ hết mình.

Có thể nói từ trước đến nay, hát chèo cải biên là một thế mạnh của Nhà hát Chèo Hà Nội. Ngay cả các vai thứ chính như Nguyễn Huệ, hay vai thứ như bà Hoàng vợ Lê Hiển Tông, cô Mai... cũng đã mạnh dạn giới thiệu được giọng hát của mình.

Vào vai Ngọc Hân công chúa, Thu Huyền khá nổi bật. Vốn là một đào lẳng và có thể bị coi là “chết vai” với Thị Màu nhưng ở những đoạn “thương,” Thu Huyền đã làm tốt. Cô đã lấy được nước mắt khán giả.

Ngồi trực tiếp trong rạp, tôi đã nghe được tiếng nấc của một nữ khán giả và cũng được chứng kiến nhiều khán giả khác chấm nước mắt. Tuy nhiên, giá như ở những đoạn diễn tình cảm với Nguyễn Huệ, Thu Huyền giấu được đôi mắt “long lanh đào lẳng” đi thì vai Ngọc Hân của cô sẽ còn tròn trịa nữa.

Còn một điều đáng tiếc cũng nên đề  cập ở đây. Vở chèo “Ngọc Hân công chúa” đã lấy được nước mắt của khán giả nhưng lại “quên” mất tiếng cười. Chèo mà vắng hề sẽ khiến cho vở diễn dường như thiếu cung bậc cảm xúc. (Ở những bản dựng trước của Nhà hát Chèo Hà Nội, vấn đề này có vẻ được chú ý hơn).

Dù có một vài chi tiết như vậy, nhưng khán giả khi ra khỏi rạp Đại Nam có vẻ hể hả hơn buổi diễn trước. Họ vừa được xem một vở diễn mà độ chín và độ nhuần nhuyễn đã qua được ngưỡng điểm 8 trên thang điểm 10.

Đã có một vài người chia sẻ với tôi ý này ý khác, và so sánh với vở diễn đêm trước. Phải nói thật thế này, khó có thể so sánh như vậy. “Ông không phải là bố tôi” chỉ là một trong những vở diễn hàng năm của Nhà hát Kịch Hà Nội; còn “Ngọc Hân công chúa,” cùng với “Nàng Sita” là của gia bảo, là máu thịt của Nhà hát Chèo Hà Nội. Họ đã nâng niu những bảo vật ấy suốt những năm qua vì biết có khi cả đời, cả vài đời làm nghề cũng đâu dễ được diễn trong những vở có kịch bản hay đến nhường ấy.

Cứ thử ngẫm mà xem, khi Thu Huyền thể hiện Ngọc Hân công chúa lần đầu đàn cho Nguyễn Huệ nghe - với câu hát: “Đi xa thế biết đến bao giờ anh trở lại/ Mái nhà xưa, hoa lý dịu dàng xưa/ Tiếng đàn em, không quên lãng bao giờ” - thì đó đâu còn là câu hát thuần túy của vở diễn. Đó là câu hát  khắc khoải mà những thế hệ đàn em đi sau gửi đến người viết kịch đã dành cho họ những bảo vật quý giá để mang theo trong suốt đời làm nghề.

Câu hát ấy, Thu Huyền hát hay quá... “Tiếng đàn em, không quên lãng bao giờ.”

Chỉ tiếc là "Đi xa thế biết đến bao giờ anh trở lại..."/.

Lưu Sơn Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục