Ngôi nhà Bình yên cho phụ nữ bị bạo hành

Đón ngày 8/3 tại Ngôi nhà Bình yên thuộc trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Liên hiệp phụ nữ Việt Nam), chị Hà cứ ngơ ngác: “Kỷ niệm ngày 8/3 mình thấy rất lạ, từ bé đến giờ mới nghe nói có ngày của phụ nữ”.

Đón ngày 8/3 tại Ngôi nhà Bình yên thuộc trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Liên hiệp phụ nữ Việt Nam), chị Hà cứ ngơ ngác: “Kỷ niệm ngày 8/3 mình thấy rất lạ, từ bé đến giờ mới nghe nói có ngày của phụ nữ”.

Chị Hà chỉ là một trong số rất nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình, buôn bán người đã tìm đến với Trung tâm Phụ nữ và Phát triển. Những người phụ nữ chưa từng biết đến hạnh phúc gia đình, bị bạo hành, bị ngược đãi đã tìm thấy sự che chở ở Ngôi nhà Bình yên, được xoa dịu những nỗi đau về cả về thể xác lẫn tinh thần.

Những số phận bất hạnh

“Mình chưa bao giờ biết đến hạnh phúc gia đình. Từ ngày bước chân đi lấy chồng đến nay, số trận đòn roi phải chịu không biết là bao nhiêu. Cực chẳng đành, mình tìm đến đây theo lời mách bảo của hội phụ nữ trong thôn”, chị Hà tâm sự.  “Lấy chồng có hai mặt con rồi mà mình vẫn chưa biết đến một ngày hạnh phúc”.

Do kinh tế gia đình khó khăn nên mâu thuẫn xảy ra thường xuyên. Nhẹ thì chị bị chồng chửi kèm theo vài cái tạt tai, nặng thì những trận đòn thừa sống chí chết. Gia đình nhà chồng không những không can ngăn mà còn ùa theo cùng đánh đập, hắt hủi. Ngày này qua ngày khác, những trận đòn trở nên quá quen thuộc khiến chị không còn biết đến cảm giác đau đớn là gì nữa.

“Cách đây 2 năm, do không thể chịu được cảnh khổ cực nữa mình cùng bố mẹ đẻ đi vay tiền dựng lên căn nhà cấp bốn nho nhỏ để vợ chồng con cái ra sống riêng. Nhưng đến khi xây xong, chồng mình cùng gia đình đã tập trung đánh đuổi đi, rồi nói là nhà này do họ tự bỏ tiền ra xây nên không cho mẹ con mình sống. Ba mẹ con từ đó phải lang thang ngoài đường”, chị Hà đau xót hồi tưởng lại những gì đã qua.

Đang bơ vơ không có chỗ nào nương thân thì chị Hà được các chị em trong hội phụ nữ thôn mách lên nhà lánh tạm ở bệnh viện Đức Giang (Gia Lâm, Hà Nội) sống nhờ. Ba mẹ con dắt díu nhau tìm đến, rồi những người ở đó lại giới thiệu cho Ngôi nhà Bình yên mà giờ đây đã trở thành nơi “định cư” của ba mẹ con.

Nghe câu chuyện của chị ai cũng rớt nước mắt. Chị Hà cũng như những người phụ nữ đến với nơi này đều có cuộc đời thật đặc biệt: Bị gia đình chồng ngược đãi hoặc là nạn nhân của bọn buôn bán người... Đến khi nỗi đau đó vượt qua khỏi khả năng chịu đựng, không còn lối thoát nào khác thì họ may sao đã tìm được chốn để nương thân, để dựa vào nhau mà sống.

Chị Nguyễn Thị Khôi, một nhân viên làm việc ở Ngôi nhà Bình yên, cho biết: “Chị em nào đến với nơi này đều bị tổn thương rất lớn về thể xác và tinh thần. Khi đến đây, rất nhiều người muốn tìm đến cái chết. Ngôi nhà bình yên giúp họ vượt qua những khó khăn trước mắt và giải quyết những khúc mắc về mâu thuẫn gia đình. Đến khi không phải sống ở đây nữa thì cuộc sống bên ngoài của chị em cũng sẽ bình yên được phần nào đó”.

Mong dự án... không được mở rộng!


Dự án Ngôi nhà Bình yên được ra đời cùng thời điểm khánh thành trung tâm Phụ nữ và Phát triển (8/3/2007), sau gần 2 năm đưa vào hoạt động đã hỗ trợ được rất nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn.

Theo tổng kết của trung tâm Phụ nữ và phát triển, Ngôi nhà Bình yên đã cưu mang được 59 trẻ em và 41 phụ nữ bị bạo hành, 29 phụ nữ bị buôn bán. Bên cạnh đó, dịch vụ tư vấn cũng đã mang đến lợi ích cho rất nhiều phụ nữ, đặc biệt là chị em bị bạo hành.

Bà Lê Thị Thủy, Giám đốc trung tâm Phụ nữ và phát triển cho biết: “Ngôi nhà bình yên là dự án nhằm mục tiêu góp phần giải quyết tình trạng bạo hành gia đình của Việt Nam hiện nay. Nó sẽ đóng góp thêm cho tiếng nói chung trong sự nghiệp bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ”.

Ngôi nhà bình yên sẽ là nơi che chở cho những phụ nữ mắc phải trường hợp bị đe dọa về tình trạng sức khỏe cũng như tính mạng. Nơi đây sẽ đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho những người phụ nữ bị bạo hành gia đình cũng như những chị em là nạn nhân của nạn buôn bán người qua biên giới.

Nói về hoạt động của Ngôi nhà Bình yên, bà Thủy chia sẻ: “Trong đề án xây dựng dự án, chúng tôi không mong muốn có nhiều phụ nữ đến với nơi này vì điều này đồng nghĩa với thực trạng phụ nữ bị bạo hành đang ngày càng gia tăng. Thực lòng, tôi mong làm sao không có chị em nào phải đến với Ngôi nhà Bình yên”.

Ngôi nhà Bình yên là mô hình nằm trong chiến lược bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Hiện nay, mô hình này đang được rất nhiều sự quan tâm của các tổ chức trong cũng như ngoài nước.

Trong thời gian tới, sẽ có kế hoạch nhân rộng mô hình này ở trên địa bàn toàn quốc. Nhưng theo bà Thủy thì: “Nếu có thể xóa bỏ những mô hình như Ngôi nhà Bình yên thì đó là một điều đáng mừng cho chúng ta. Vì khi đó, sẽ không có người phụ nữ phải chịu cảnh bạo hành trong gia đình nữa”./.

Ngọc Cương (Vietnam+)

 

Tin cùng chuyên mục