Ngời sáng Xô Viết Nghệ Tĩnh 80 năm và mãi mãi

Ngày 12/9/2010, kỷ niệm 80 năm ngời sáng tinh thần Xô Viết Nghệ Tĩnh, vẫn còn đây vang vọng câu ca “Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước..."
Ngày 12/9 hàng năm là Ngày tưởng niệm các Liệt sĩ Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Đó cũng chính là ngày diễn ra cuộc biểu tình của nông dân Hưng Nguyên và sự hình thành Xô Viết đầu tiên. Năm nay, tròn 80 năm ngời sáng tinh thần Xô Viết Nghệ Tĩnh, những câu ca vẫn vang vọng lòng ta về trang sử đau thương mà anh dũng quật cường ngày ấy: “Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước/ Nọ Thanh Chương tiếp bước, bước lên/ Nam Ðàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên/Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi.”

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh nhân dịp này.

- Thưa ông, xin ông cho biết về kế hoạch tổ chức kỷ niệm Kỷ niệm 80 năm phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh nói riêng và các tổ chức trong vùng đất anh hùng, được mệnh danh là chiếc nôi cách mạnh Nghệ An-Hà Tĩnh nói chung?

Ông Nguyễn Xuân Thủy: Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm nay sẽ tổ chức Kỷ niệm 80 năm Xô viết Nghệ Tĩnh theo quy mô quốc gia. Cụ thể hai tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh trực tiếp tổ chức  tạo thành một chương trình rất trọng thể.

Hai tỉnh vừa phối hợp tổ chức hội thảo khoa học 80 năm Xô viết Nghệ Tĩnh ngày 10/9. Bên cạnh đó, góp phần xây dựng bài trên số đặc biệt kỷ niệm 80 năm Xô viết Nghệ Tĩnh trên Tạp chí Lịch sử Đảng, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ kỷ niệm vào ngày 29/8/2010 và sáng 12/9 này, tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Buổi tối cùng ngày tổ chức cầu truyền hình tại hai đầu cầu từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vào hồi 20h ngày 12/9.

Chương trình được thực hiện từ hai địa điểm lịch sử gắn với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là Đài tưởng niệm Liệt sĩ Can Lộc và Đài tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ Thái Lão. Thái Lão là nơi diễn ra cuộc biểu tình ngày 12/ 9/1930 của nhân dân Hưng Nguyên, Nghệ An và bị chính quyền Pháp đàn áp làm hơn 200 người chết. Chương trình sẽ phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1.

- Ông có thể giới thiệu đôi nét chính về Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh?

Ông Nguyễn Xuân Thủy: Bào tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được thành lập vào năm 1960, là đơn vị ra đời thứ ba của Hệ thống Bảo tàng Việt Nam. Bảo tàng được xây dựng trong thành cổ, trên đất khu nhà lao Vinh trước đây, là nơi từng giam cầm hàng ngàn chiến sĩ cách mạng trong năm 1929 - 1931.

Đây là nơi lưu giữ các hiện vật, hình ảnh gốc chứng minh cho phong trào từng địa phương và các bộ sưu tập như sưu tập những chiếc trống dùng trong đấu tranh, sưu tập ấn loát, sưu tập vũ khí, sưu tập các con triện, sưu tập các hiện vật nuôi giấu cán bộ Đảng...

- Lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh 80 năm, còn lịch sử bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh có những chặng đường lớn nào?

Ông Nguyễn Xuân Thủy: Ngày 12/9/1963, nhân dịp kỷ niệm 33 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh mở cửa đón khách tham quan. Ngày 3/2/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi “Lời Đề tựa” cho bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Người đánh giá cao ý nghĩa lịch sử của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931; đồng thời căn dặn Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh phải phát huy truyền thống cách mạng xây dựng Nghệ An và Hà Tĩnh gương mẫu xứng đáng với quê hương Xô Viết anh hùng.

Năm 1987, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được chuyển  thành “Chi nhánh của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam”. Năm 1995, bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh  được nâng cấp hạ tầng cơ sở, chỉnh lý trưng bày theo phương pháp hiện đại, hấp dẫn hơn để thu hút khách tham quan.

- Công tác sưu tầm, bảo tồn là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho sự tồn tại và phát triển của Bảo tàng, ông có thể cho biết đơn vị của ông đã làm những việc cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Thủy: Trong nửa thế kỷ qua, cán bộ bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã không quản khó khăn gian khổ sưu tầm được nhiều sưu tập hiện vật có giá trị: sưu tập vũ khí tự vệ đỏ, trống Xô Viết, nuôi dấu bảo vệ Đảng, Bác Hồ với Xô Viết Nghệ Tĩnh.....Đồng thời Bảo tàng tổ chức sưu tầm được nhiều tư liệu tại các kho lưu trữ Quốc gia, Bộ Công an, Trung tâm lưu trữ các nước hải ngoại (Cộng hoà Pháp ), Quảng Châu( Trung Quốc).

Mỗi năm Bảo tàng đón tiếp 5 vạn lượt khách tham quan, trong đó nhiều đoàn khách nước ngoài và bảo tàng cũng vinh dự được đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Bảo tàng đã phục vụ tư liệu cho học sinh, sinh viên các trường đại học cao đảng làm luận văn tốt nghiệp, phục vụ các địa phương xây dựng lịch sử Đảng bộ các cấp; phục vụ các hãng phim xây dựng phim về lịch sử Đảng cộng sản...

-Mặc dù bảo tàng đã đóng góp rất nhiều trong việc thắp sáng ngọn lửa cách mạng của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh song trong việc trưng bày và tuyên truyền có vấn đề gì tồn tại không thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Thủy: Nơi trưng bày hiện nay của Bảo tàng nguyên ban đầu  được xây dựng có mục đích sử dụng là một nhà kho giữ gìn hiện vật. Chính vì dùng nhà kho để trưng bày nên cũng hạn chế về tính mỹ thuật, kỹ thuật. Chúng tôi mong bảo tàng được đầu tư để xây dựng và tu sửa lại để có thể tăng sức hút hơn đối với khách tham quan, đáp ứng nhu cầu tìm về truyền thống cách mạng của đông đảo nhân dân.Chúng tôi đã xin chủ trương lập dự án nâng cấp Nhà trưng bày.

- Ông có thể cho biết đôi nét về các nhân chứng sống, các nhà lão thành cách mạng hiện còn sống trong vùng?

Ông Nguyễn Xuân Thủy: Năm nay chúng ta kỷ niệm 80 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, nghĩa là các nhân chứng lịch sử, các lão thành cách mạng có còn sống cũng phải trên 100 tuổi rồi. Trong nhiều năm qua, các cán bộ của bảo tàng cũng đã luôn tích cực và kịp làm việc tổ chức sưu tầm hiện vật, tổ chức ghi chép. vì chúng tôi hiểu các cụ là nguồn sử liệu rất quan trọng và quý giá. Hiện nay bảo tàng có được 140 tập hồi ký của các cụ lão thành cách mạng.

Theo quy luật cuộc sống, sau thời gian 80 năm qua, hiện chỉ có támcụ đang còn sống. Trong dịp này, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng tổ chức đi thăm hỏi các cụ, tổ chức đến thăm các gia đình liệt sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Chúng tôi cũng tổ chức chu đáo lễ dâng hương, dâng hoa cho các đoàn đại biểu tại Nhà Tưởng niệm các liệt sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh trong khuôn viên Bảo tàng. Bên cạnh đó là việc tổ chức đón khách tham quan, nghiên cứu tại Bảo tàng và tổ chức trưng bày lưu động, nói chuyện truyền thống, giao lưu văn hóa với một số địa phương có phong trào Xô viết tiêu biểu.

- Xin trân trọng cảm ơn ông, thay mặt những người con xa rất ngưỡng mộ và tự hào về truyền thống cách mạng trong trang sử vàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, qua ông xin được gửi nén tâm hương đến các Liệt sĩ đã ngã xuống từ những ngày đầu máu lửa vì sự nghiệp cách mạng!



Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục