Ngồi xem TV quá nhiều có thể khiến quá trình "lão hóa" của bạn kém lành mạnh

Chuyên gia cho biết: "Về mặt sinh lý, con người không bao giờ được phép ngồi trước màn hình suốt ngày. Càng ngồi nhiều, ta càng gặp nhiều vấn đề, nhất là khi già đi.”

Chuyên gia khuyên bạn nên bớt ngồi xem TV để dành thời gian cho hoạt động thể chất. (Nguồn: Los Angeles Times)
Chuyên gia khuyên bạn nên bớt ngồi xem TV để dành thời gian cho hoạt động thể chất. (Nguồn: Los Angeles Times)

Theo một nghiên cứu được công bố gần đây, việc bớt ngồi trước TV để dành thời gian cho hoạt động thể chất có thể giúp quá trình “lão hóa” của bạn trở nên lành mạnh hơn đáng kể.

"Thông điệp chúng tôi muốn truyền tải là thay thế thời gian xem TV bằng các hoạt động thể chất… cùng với việc ngủ đủ giấc, sẽ có lợi cho quá trình lão hóa khỏe mạnh" - Tiến sỹ Molin Wang, Phó Giáo sư Y khoa tại Khoa Dịch tễ Học tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan của Harvard, cho biết.

Tiến sỹ Andrew Freeman, Giám đốc Phòng ngừa Tim mạch và Sức khỏe tại National Jewish Health ở Denver, người không tham gia vào nghiên cứu, đồng tình với kết luận trên.

Các chuyên gia đã phân tích dữ liệu từ Nghiên cứu Sức khỏe của Các Y tá đối với hơn 45.000 người từ 50 tuổi trở lên vào năm 1992. Những người này cũng không mắc bệnh mãn tính, theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí JAMA Network Open.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi trong 20 năm để biết thông tin về thời gian mọi người ngồi làm việc, ở nhà và xem TV cũng như thời gian họ đứng hoặc đi bộ ở nhà và nơi làm việc. Những dữ liệu này được phân tích kết hợp với dữ liệu về quá trình lão hóa của họ.

Nghiên cứu định nghĩa “lão hóa lành mạnh” là khi một người sống ít nhất đến 70 tuổi và duy trì ít nhất bốn lĩnh vực lành mạnh, chẳng hạn như không mắc bệnh mãn tính nghiêm trọng, không bị suy giảm trí nhớ, sức khỏe thể chất hay sức khỏe tinh thần.

Theo nghiên cứu, cứ thêm hai giờ ngồi xem TV sẽ làm giảm 12% khả năng lão hóa theo cách lành mạnh. Trái lại, chỉ cần thêm hai giờ hoạt động thể chất nhẹ nhàng tại nơi làm việc sẽ giúp tăng khả năng “lão hóa lành mạnh” thêm 6%.

Freeman cho biết: “Việc ngồi lì trước màn hình tivi dường như luôn đi kèm với những hệ quả không tốt. Tất nhiên, về mặt sinh lý, con người không bao giờ được phép ngồi trước màn hình suốt ngày.”

“Càng ngồi nhiều thì chúng ta càng gặp nhiều vấn đề, nhất là khi chúng ta già đi” - ông nói.

Vì sao ngồi nhiều lại có hại?

Một nghiên cứu hồi năm 2017 cho thấy mối quan hệ giữa thời gian ngồi và việc tử vong sớm do bất kỳ nguyên nhân nào. Và theo một nghiên cứu năm 2023, việc dành ít thời gian vận động khi còn nhỏ có thể khiến một người tăng nguy cơ mắc bệnh tim sau này.

hoat dong the chat.png
Vận động nhiều hơn sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. (Nguồn: CNN)

Vấn đề có thể đặc biệt nghiêm trọng nếu bạn ăn một lượng muối lớn (“khẩu phần” thường thấy trong chế độ ăn của người Mỹ) mà không vận động đủ để lưu thông các chất trong cơ thể.

Theo Freeman, những thói quen không lành mạnh thường đi đôi với nhau. “Ngồi xem TV thường kéo theo những hoạt động ‘đi kèm’ như ăn đồ ăn vặt… Bạn cũng có thể ‘mất kết nối’ với người khác và thậm chí bị gián đoạn giấc ngủ.”

Thời gian kéo dài tại bàn làm việc hoặc trên ghế băng phòng khách cũng khiến chúng ta “lỡ” nhiều cơ hội ra ngoài vận động. “Bạn bỏ lỡ các hoạt động thể chất, trong khi những hoạt động này thực sự là cách đáng kinh ngạc để giảm nguy cơ tim mạch và huyết áp” - Freeman cho biết.

Nếu bạn làm việc tám đến 10, hay thậm chí 12 tiếng mỗi ngày trong văn phòng, bạn có thể sẽ cảm thấy khó khăn khi phải vận động nhiều hơn.

“Nếu có thể, bạn nên cân nhắc mua một chiếc bàn đứng tại nơi làm việc, hoặc thậm chí là sắm một chiếc máy chạy bộ nếu bạn có đủ không gian. Thường xuyên đứng dậy hoặc tranh thủ trao đổi công việc trong lúc đi bộ cũng có thể có lợi cho sức khỏe” - Freeman gợi ý.

“Có lẽ sẽ là quá lâu nếu bạn ngồi liên tục hơn 30 phút, bạn nên cố gắng di chuyển một chút.” Với việc ngồi xem TV, bạn không cần phải quá “giới nghiêm,” nhưng hãy tự đặt ra giới hạn cho bản thân.

Freeman cho biết: "Có rất nhiều công cụ và ứng dụng tốt [giúp bạn theo dõi thời gian sử dụng màn hình]... Nhiều người trong chúng ta coi chúng là công cụ dành cho trẻ em, nhưng sự thật là chúng cũng tốt đối với người lớn."./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục