Ngư dân đầu tiên được vay vốn đóng tàu vỏ sắt theo Nghị định 67

Ông Trần Huấn là ngư dân đầu tiên được BIDV cấp tín dụng đóng mới tàu đánh cá công suất 900CV với lãi suất ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Ngư dân đầu tiên được vay vốn đóng tàu vỏ sắt theo Nghị định 67 ảnh 1Lãnh đạo BIDV trao hợp đồng cho ông Trần Huấn. (Nguồn: BIDV)

Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Thừa Thiên – Huế vừa ký hợp đồng tín dụng cho vay đóng tàu với ông Trần Huấn, ngư dân tại thị trấn Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế với trị giá 2,2 tỷ đồng, thời gian 11 năm để đóng mới tàu cá vỏ gỗ, công suất 900CV.

Đây là khoản giải ngân trung dài hạn thành công đầu tiên theo Nghị định 67/NĐ-CP ngày 07/07/2014 của Chính phủ và Thông tư số 22/2014/TT-NHNN ngày 15/08/2014 của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Trần Huấn thuộc nhóm doanh nghiệp/ngư dân được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt danh sách đợt 1 được vay vốn Chương trình phát triển thủy sản theo Nghị định 67. Ông cũng là ngư dân đầu tiên được BIDV cấp tín dụng đóng mới tàu đánh cá công suất lớn trị giá 4,1 tỷ đồng.

Ông Huấn chia sẻ: “Gia đình tôi hiện có 7 người sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản nhưng mới chỉ có một tàu đánh cá xa bờ vỏ gỗ công suất 495CV, được đầu tư từ năm 2009. Tôi và gia đình từ lâu đã mong mỏi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi theo chương của Chính phủ để yên tâm đóng mới tàu đánh cá. Với nguồn vốn được BIDV giải ngân đã giúp gia đình tôi đạt được ước mơ về một con tàu công suất lớn để mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống và phát huy nghề truyền thống của người dân vùng biển.”

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 67/NĐ-CP, BIDV là ngân hàng luôn tiên phong, chủ động đề xuất các giải pháp, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ban ngành và chính quyền các cấp để đẩy nhanh việc đưa Nghị định đi vào cuốc sống. Ngoài ra, BIDV cũng luôn bám sát và trực tiếp đến với bà con ngư dân tại các địa phương vùng biển, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng cũng những vướng mắc trong quá trình triển khai để nhanh chóng giúp ngư dân tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng.

Với việc giải ngân thành công cho ngư dân đầu tiên vay vốn đóng mới tàu đánh bắt xa bờ, BIDV đã giúp cho ngư dân đến gần hơn với ước mơ đóng mới những con tàu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, địa phương, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương./.

Nội dung chính của Nghị định 67/2014/NĐ-CP:

- Chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp, thời hạn vay tới 11 năm và lãi suất chủ tàu phải trả thấp nhất là 1%/năm và cao nhất chỉ là 3%/năm. Với việc đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép (có tổng công suất máy chính 400CV trở lên), bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; máy móc thiết bị bảo quản hải sản; bảo quản hàng hóa; bốc xếp hàng hóa, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm; tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm.

- Đối với tàu hải sản xa bờ vỏ gỗ, thép được đóng mới, chủ tàu được vay tối đa từ 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả từ 1-3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù từ 4-6%/năm. Tàu vỏ gỗ công suất dưới 400CV được nâng cấp thành tàu có công suất từ 400CV trở lên được vay tối đa 70% giá trị nâng cấp tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. Theo Nghị định, thời hạn cho vay sẽ kéo dài trong 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để đảm bảo khoản vay. Lãi suất được duy trì ổn định 7%/năm. Trong trường hợp chủ tàu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, tùy từng trường hợp, chủ tàu được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và được xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục