Ngừng bắn hay chiến tranh - Viễn cảnh không thể đoán trước ở Gaza

Trong Dải Gaza của Palestine, khả năng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn giữa phong trào Hồi giáo Hamas với Israel hoặc việc bùng phát một cuộc xung đột quân sự khốc liệt là gần như bằng nhau.
Ngừng bắn hay chiến tranh - Viễn cảnh không thể đoán trước ở Gaza ảnh 1Binh sỹ Israel bắn đạn hơi cay về phía người biểu tình Palestine gần khu vực biên giới Gaza-Israel. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo Tân hoa xã, trong Dải Gaza của Palestine, khả năng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn giữa phong trào Hồi giáo Hamas với Israel hoặc việc bùng phát một cuộc xung đột quân sự khốc liệt là gần như bằng nhau.

Các nhà quan sát Palestine cho rằng lực lượng Palestine được vũ trang và Israel không thể hiện mong muốn leo thang quân sự, song những diễn biến hiện nay vẫn có khả năng thổi bùng một cuộc đối đầu quân sự đột ngột.

Cụ thể, 7 người Palestine, bao gồm một trẻ em, đã bị sát hại cùng hàng chục người khác bị thương bởi hỏa lực của Israel trong cuộc biểu tình hôm 12/10.

Đây là một trong hàng loạt cuộc biểu tình bùng phát từ ngày 30/3 dọc biên giới Gaza-Israel , nâng tổng số người thiệt mạng của Palestine lên tới hơn 200 người.

Sau đó, hôm 13/10, Israel tuyên bố dừng việc vận chuyển nhiên liệu công nghiệp cho nhà máy điện duy nhất của Gaza do tình hình bạo lực biên giới. Việc dừng tiếp nhiên liệu diễn ra trong bối cảnh Liên hợp quốc và các nước khác đang nỗ lực nới lỏng lệnh phong tỏa của Israel nhắm vào Gaza kể từ khi Hamas tiếp quản vùng đất nghèo khó này một cách đầy bạo lực vào năm 2007.

Cùng ngày 13/10, Ismail Haniyeh - thủ lĩnh phong trào Hamas - cho biết các cuộc biểu tình diễn ra hàng tuần vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi Israel dỡ bỏ lệnh phong tỏa của họ tại Gaza.

Chia sẻ với Tân Hoa Xã, chuyên gia chính trị ở Gaza Adnan Abu Amer nói: “Cả Hamas lẫn Israel đều đang thắt chặt những sợi dây quanh đối phương để củng cố vị thế của họ dù lệnh ngừng bắn hay chiến tranh xảy ra.”


[Israel bắt Thị trưởng Jerusalem và Giám đốc Tình báo của Palestine]

Abu Amer cho rằng những đòi hỏi của Israel đối với bất kỳ động thái nhân đạo nào ở Gaza vẫn giống như việc họ yêu cầu các bên phải hoàn toàn kiềm chế.

Ông nói: “Vẫn còn thời gian để chứng kiến một quan điểm khác của Israel… Israel có thể nới lỏng cuộc phong tỏa và điều này có thể không phải là một phép màu, song nó không thể dễ dàng diễn ra cùng một lúc.”

Israel đã nhiều lần yêu cầu Hamas và các phe phái Palestine khác phải phi quân sự hóa ngoài việc bàn giao lại các binh lính Israel bị bắt làm con tin ở Gaza để hướng tới thống nhất các bước đi quan trọng nhằm nới lỏng lệnh phong tỏa.

Trong khi đó, các phe phái Palestine cũng nhấn mạnh rằng các cuộc biểu tình hàng tuần muốn diễn ra trong hòa bình đòi hỏi một sự dỡ bỏ hoàn toàn cuộc phong tỏa, vốn đã khiến tình hình nhân đạo đối với 2 triệu dân ở Gaza trở nên tồi tệ chưa từng có.

Trong những tháng gần đây, Ai Cập, Qatar và Liên hợp quốc đã ngăn chặn thành công các cuộc đối đầu bạo lực liên tiếp giữa Hamas và Israel.

Tuy nhiên, sự hòa giải của họ không thể tạo ra một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện. Hamas cũng đã thông báo về những nỗ lực của Liên hợp quốc, Ai Cập và Qatar nhằm hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa, song điều này không được Israel chính thức thừa nhận.

Nhà phân tích chính trị Abdel Nasser al-Najjar ở Ramallah (Palestine) cho biết: “Hamas có khuynh hướng kiềm chế hơn là leo thang quân sự, nhưng đồng thời vẫn giữ các cuộc biểu tình tiếp diễn để nhấn mạnh vào việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa”. Chuyên gia này cho rằng thật khó để nói trước điều gì có thể xảy ra trong những ngày tới bởi mọi việc đều rất “mơ hồ.”

Ông nhấn mạnh: “Chẳng ai dám khẳng định liệu Gaza sẽ bùng phát một cuộc chiến mới hay Israel sẽ làm dịu bớt lệnh phong tỏa của mình.”

Theo al-Najjar, để tránh tình hình trở nên trầm trọng hơn nữa, Gaza cần một chiến lược quốc gia dựa trên lợi ích của người dân Palestine, và việc chấm sự sự chia rẽ trong nội bộ Palestine cần được đưa lên hàng đầu. Quốc gia này đã phải hứng chịu sự chia rẽ chính trị sâu sắc kể từ khi Hamas mạnh bạo tiếp quản Gaza.

Tháng 10/2017, Hamas và phong trào giải phóng Palestine Fatah đã ký kết một thỏa thuận hòa giải do Ai Cập bảo trợ tại Cairo để “chữa lành” mối bất hòa kéo dài cả thập kỷ giữa họ.

Theo thỏa thuận, Hamas hoàn toàn trao quyền quản lý ở Gaza cho chính quyền Palestine (PA) ở Ramallah vào tháng 12/2017.

Tuy nhiên, đã có hơn một thỏa thuận về hòa giải quốc gia được thông qua dưới sự bảo trợ của Saudi Arabia, Qatar và Ai Cập, song không thỏa thuận nào đạt được một bước đột phá thực tế để chấm dứt sự chia rẽ ở Palestine.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gần đây đã đưa ra “những quyết định mang tính quyết định” nhằm chống lại Dải Gaza do Hamas cai trị, bao gồm việc ngừng viện trợ cho vùng lãnh thổ bị chiến tranh tàn phá và đang bị phong tỏa này.

Nhà quan sát chính trị Akram Atallah nói: “Việc PA áp dụng các biện pháp trừng phạt mới chống lại Gaza sẽ chỉ khiến sự chia rẽ này tồn tại mãi mãi.”

Atallah cảnh báo rằng việc góp phần chia rẽ Gaza đang diễn ra thông qua “cánh cổng can thiệp nhân đạo.”

Chuyên gia này nói: “PA nên suy nghĩ xem làm thế nào để khiến Gaza quay trở lại dưới sự kiểm soát của mình, đặc biệt là sau khi họ biết rõ rằng các biện pháp trước đó chỉ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục