Ngưng dự án “cánh đồng gió” lớn nhất thế giới

Kế hoạch xây dựng cánh đồng phong điện chạy bằng sức gió lớn nhất thế giới tại Texas bị đình hoãn vì gặp quá nhiều khó khăn.
Kế hoạch xây dựng cánh đồng phong điện chạy bằng sức gió lớn nhất thế giới đã được khởi động hai năm rồi. Vậy mà ngày 8/7 tỉ phú Boone Pickens đã cay đắng tuyên bố đình hoãn ý tưởng táo bạo này do gặp quá nhiều khó khăn.
 
Kế hoạch đầy tham vọng
 
Tháng 6/2007 Boone Pickens đã công bố dự định xây dựng cánh đồng phong điện lớn nhất thế giới bằng cách sử dụng turbine chạy bằng sức gió tại bang Texas. Dự án có thể sản xuất ra lượng điện lên tới 4 gigaWat. Công ty năng lượng Mesa Power của Picken chịu trách nhiệm xây dựng.

Sau khi hoàn tất cánh đồng phong điện sẽ tạo ra một khoản năng lượng lớn gấp 5 lần trang trại phong điện lớn nhất hiện nay ở vùng Abilene của Mỹ với tổng công suất 735 megaWatt.
 
Tháng 8/2007 Pickens đã chứng tỏ mình không nói chơi khi yêu cầu công ty Mesa Power thảo các văn bản cần thiết để trình lên chính quyền bang Texas xin hòa vào mạng lưới của bang 4 gigaWatt điện. Kế hoạch do Mesa đệ trình khẳng định rằng dự án phong điện sẽ hoàn tất trong năm 2011, bao gồm 2.700 turbine dựng trên một khu vực rộng 810 km².
 
Pickens sau đó còn hào hứng tuyên bố: “Chúng tôi đang thảo luận với các chủ đất về giá thuê chỗ đặt turbine. Chúng tôi rất phấn khích khi thấy mọi chuyện được triển khai nhanh tới vậy".
 
Bước sang năm 2008 tờ The Oklahoman cho biết Picken đã sẵn sàng mua các turbine phong năng phục vụ cho dự án của ông với số lượng dao động từ 1.700 – 2.000 chiếc. Mỗi chiếc có giá trung bình 200 – 300 triệu USD. Pickens tuyên bố ông nhận được sự quan tâm và lời đề nghị hợp tác của ít nhất 20 đối tác tiềm năng, tuy nhiên ông vẫn chưa quyết định chắc chắn sẽ chọn ai.

Pickens lạc quan tới mức đã vẽ ra viễn cảnh lập các cánh đồng phong năng ở khu vực biên giới Mỹ - Canada. Tới giữa năm 2008 công ty Mesa Power tuyên bố họ đã đặt mua 667 turbine gió của hãng General Electric. Các turbine có công suất 1,5 megaWatt và sẽ được bàn giao từ năm 2010 tới năm 2011.
 
Tuy nhiên, khi mọi việc tưởng như đang thuận buồm xuôi gió thì Pickens bỗng tuyên bố hủy kế hoạch mà ông hằng ấp ủ.
 
Nỗ lực dang dở
 
Wall Street Journal là tờ báo đầu tiên thông báo quyết định của Boone Pickens. Theo tờ báo, ông nói rằng nguyên nhân ngừng xây dựng trang trại phong năng lớn nhất thế giới là do việc vay vốn gặp khó khăn và bang Texas không có sẵn dây hòa phong điện vào mạng lưới của bang. Công ty Mesa của ông từng có kế hoạch tự xây dựng các tuyến đường dây điện mới, song không tìm đâu ra khoản vốn lên tới 2 tỉ USD.
 
"Boone sẽ vẫn tập trung vào việc phát triển phong năng ở Mỹ,” Jay Rosser, người phát ngôn của công ty quản lý tài chính BP Capital Management thuộc sở hữu của Pickens, giải thích. “Tuy nhiên khung thời gian sẽ thay đổi so với dự kiến ban đầu do ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính và giá khí tự nhiên giảm (trong khi đó nhiều nhà máy nhiệt điện của Mỹ đang dùng khí ga để tạo điện)."
 
Theo Rosser, do Mesa Power không thể vay 2 tỉ USD để lập hệ thống đường dây chuyển tải điện nên toàn bộ dự án phải chờ cho đến khi chính quyền bang kéo dây điện. Việc này dĩ nhiên là sẽ lâu hơn nhiều so với các việc Pickens bỏ tiền túi ra đầu tư. Ông cũng cho biết Mesa Power đang tìm kiếm các dự án phong điện ở vùng Trung Tây và Canada để bán lại 667 turbine đã đặt hàng từ hãng General Electric.
 
Sự sụp đổ của dự án cánh đồng phong điện có thể xem là một thất bại lớn của Pickens. Dự án từng là biểu tượng quyết tâm của ông trong việc làm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các nguồn dầu mỏ nhập khẩu. Ngoài việc tạo ra cánh đồng phong năng, ông còn cổ súy “kế hoạch Pickens” khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế dầu lửa, đặc biệt là dùng sức gió.

Pickens chỉ ra rằng Mỹ có trong tay nguồn phong năng vô tận, đủ để thay thế một lượng dầu khổng lồ phải nhập từ Trung Đông. Ông tin rằng với sự đầu tư hợp lý trong 10 năm tới lượng điện sản xuất từ gió sẽ chiếm 22% tổng lượng điện quốc gia và Mỹ sẽ giảm bớt 1/3 lượng dầu nhập khẩu.
 
Tương lai vẫn thuộc về năng lượng sạch
 
Theo các chuyên gia, thất bại của Pickens là một bước thụt lùi đối với ý tưởng phát triển các năng lượng mới trong bối cảnh nhiều năng lượng truyền thống như khí gas và dầu lửa hạ giá. Tuy nhiên, sự thụt lùi chỉ là tạm thời và nguồn năng lượng mới sẽ lại được quan tâm khi các năng lượng truyền thống tăng giá trở lại – đây là điều không thể tránh trong bối cảnh nguồn tài nguyên đang cạn kiệt dần.
 
Có thể thấy điều này qua việc Bộ Năng lượng Mỹ vẫn coi phong năng là một nguồn năng lượng quan trọng cần khai thác. Năm ngoái Bộ này đã công bố một kế hoạch tạo ra 20% điện từ sức gió vào năm 2030. Hay như gần đây nước Đức đang lên kế hoạch thực hiện dự án DESERTEC với số vốn 400 tỉ euro nhằm biến vùng sa mạc Sahara ở Bắc Phi trở thành một nguồn cung cấp điện vô tận cho châu Âu.

Dự án này do một tập đoàn lớn gồm 20 công ty của Đức như Munich Re, Siemens, Deutsche Bank... thực hiện. Kế hoạch đầy tham vọng này sẽ cho phép xây dựng hàng loạt nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời và chúng sẽ đáp ứng 15% nhu cầu điện của châu Âu. Được biết, tại các sa mạc ở Bắc Phi và Trung Đông, mỗi năm Mặt Trời đổ xuống một lượng năng lượng khoảng 630 tỷ megaWatt/h, trong khi lượng điện tiêu thụ hàng năm của châu Âu chỉ là 4 tỷ megaWatt/h.
 
Thông qua việc đầu tư vào các nguồn năng lượng mới, nhân loại không chỉ tìm thấy lời giải cho bài toán tồn tại của hàng tỉ người trên Trái Đất khi các nguồn tài nguyên đang bị khai thác cạn kiệt, mà còn có tác dụng rất lớn trong vấn đề giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và chống biến đổi khí hậu toàn cầu./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục