Ngược đãi nhân viên, chủ lao động có thể bị phạt 3 năm tù giam

Luật mới diễn giải bắt nạt nơi công sở là hành vi mà chủ lao động hoặc những người có chức quyền lạm dụng quyền hạn, gây tổn hại tâm thần và sức khỏe hoặc bầu không khí làm việc.
Ngược đãi nhân viên, chủ lao động có thể bị phạt 3 năm tù giam ảnh 1Một nữ y tá đang làm việc tại Hàn Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Sau 6 tháng bị trì hoãn, ngày 16/7, luật chống bắt nạt, quấy rối nơi công sở bắt đầu có hiệu lực tại Hàn Quốc.

Luật mới diễn giải bắt nạt nơi công sở là hành vi mà chủ lao động hoặc những người có chức quyền lạm dụng quyền hạn, gây tổn hại tâm thần và sức khỏe hoặc bầu không khí làm việc.

Luật quy định nếu nhận được thông báo về việc xảy ra tình trạng bắt nạt, quấy rối nơi làm việc, chủ lao động cần ngay lập tức tiến hành điều tra cũng như đưa ra các biện pháp thích hợp, như không để nạn nhân phải làm việc cùng với thủ phạm.

Trong trường hợp các nạn nhân hoặc những người báo cáo việc bắt nạt bị ngược đãi hoặc phân biệt đối xử, chủ lao động có thể phải đối mặt với mức án tối đa 3 năm tù giam và khoản tiền phạt lên tới 30 triệu won (25.423 USD). Tuy nhiên, luật không nêu khung hình phạt đối với thủ phạm.

[Hàn Quốc xử lý nghiêm hành vi xâm hại tình dục ở khu vực nhà nước]

Giới chức Hàn Quốc hy vọng luật chống bắt nạt nơi công sở có thể ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng người có chức quyền lợi dụng vị trí của mình để bắt nạt cấp dưới.

Tuy nhiên, phải mất một thời gian luật trên mới có thể giải quyết được triệt để vấn nạn bắt nạt nơi công sở do việc xác định trường hợp nào liên quan đến bắt nạt nơi công sở vẫn còn khá mơ hồ.

Theo một cuộc khảo sát mới đây của Chính phủ Hàn Quốc, có tới 2/3 số công nhân, nhân viên từng bị bắt nạt ở nơi làm việc, trong khi 80% số công nhân, nhân viên tận mắt chứng kiến những hành động đó.

Tháng 2 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành hướng dẫn, trong đó nêu cụ thể các ví dụ bắt nạt nơi công sở để giảm bớt lúng túng cho các doanh nghiệp.

Hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp nước này cũng đã phổ biến cho nhân viên về luật mới hoặc xem xét lại các quy định của mình để thực thi luật này, nhưng vẫn còn khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ hơn vẫn chưa lên được kế hoạch chi tiết để giải quyết tình trạng bắt nạt nơi công sở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục