Chăm "giấc ngủ" đồng đội

Người 30 năm miệt mài chăm "giấc ngủ" đồng đội

Từ chối công việc ở thành thị, ông Nguyễn Hữu Xuân một cựu quân nhân đã trở về gắn bó với công việc chăm sóc hương hồn liệt sỹ.
Cầm tấm bằng Trung cấp cán bộ Lao động thương binh xã hội, từ chối nhiều công việc ở thành thị, năm 1984, ông Nguyễn Hữu Xuân trở về Nghệ An, nguyện gắn bó trọn đời với công việc đầy ý nghĩa: chăm sóc hương hồn các liệt sỹ.

Trả nghĩa cho đồng đội


Nghĩa trang Việt-Lào huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An một chiều cuối tháng Bảy, nắng như chan lửa nhưng những người quản trang vẫn mải miết dọn dẹp quanh những nấm mồ trắng.

Dẫn chúng tôi đến gặp "người ưu tú" của nghĩa trang, ông Trần Văn Hiền, Trưởng ban quản lý Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào bảo rằng, ông Xuân là người làm việc không biết ngày đêm.

Ngớt tay chổi, ông Xuân, dáng người nhỏ thó, nước da đen cháy bởi nắng gió miền Trung kể rằng, một trong những lý do chính mà ông nguyện gắn bó cả đời với nơi đây chính là nghĩa tình đồng đội.

Dắt khách "trốn nắng" dưới bóng cây hoa Đại, ông Xuân bảo quê mình ở huyện Thanh Chương, cách Anh Sơn ngót 100km. Có người cha cũng là liệt sỹ, hơn ai hết, người đàn ông sinh năm 1958 thấu hiểu sự mất mát và đau thương của chiến tranh.

Xuất ngũ năm 1984, cựu quân nhân Nguyễn Hữu Xuân ra Hà Nội học khóa đầu tiên của trường Trung cấp cán bộ Lao động thương binh xã hội (tiền thân của Đại học Lao động Xã hội bây giờ). Cầm tấm bằng trên tay, chàng trai trẻ nhận được không ít lời chào đón nhưng ông Xuân lại chọn về quê, gắn bó với hương hồn liệt sỹ.

Theo tâm niệm của người đàn ông này, nghĩa trang như một bàn thờ lớn và tất cả những anh hùng liệt sỹ yên nghỉ tại đây như những bậc cha anh, đồng đội. Hơn thế, trải qua thời kỳ đất nước lâm vào cảnh chiến tranh tang tóc, ông Xuân may mắn hơn những đồng đội của mình là giữ được tấm thân lành lặn. Bởi thế, ông gắn bó với nơi đây vì muốn “được sống cùng với những linh hồn bất khuất cha ông.”

Công việc quản trang tưởng như nhàn hạ, nhưng kỳ thực lại khá vất vả bởi mỗi người đều ý thức rất rõ việc chăm sóc cho linh hồn liệt sỹ phải thật chu đáo, tỉ mỉ. Nhà ở xa, ông Xuân dọn luôn về nghĩa trang để tiện cho công việc. Ngày trước, cứ cuối tuần ông lại đạp xe hàng trăm km để về nhà với người vợ trẻ. Sau này, có xe máy, quãng đường đi lại cũng đỡ vất vả hơn.

Nguyện trọn một đời

Trong suốt 30 năm làm quản trang, ông Xuân kể có nhiều đêm mệt thiếp đi, ông nghe tiếng gõ cửa của những liệt sỹ: " Anh Xuân ơi mở cửa, mở tivi cho anh em chúng tôi xem với," và khi ông bật tivi, thì những giọng nói ấy không về cùng giấc ngủ nữa.

Nhấp ngụm nước chè xanh, ông Xuân bảo, cái nghề quản trang cũng chọn người lắm. Có người, về đây làm một thời gian rồi phải xin nghỉ vì không chịu được vất vả cũng như buồn chán. Quanh năm làm bạn với những ngôi mộ, chỉ vào ngày lễ, tết… nơi đây mới bớt đìu hiu.

Với đồng lương ít ỏi đủ để trang trải cho cuộc sống đạm bạc, nhưng ông Xuân đầy vẻ lạc quan: “Gạo nước mang ở nhà đến, dưa cà một vại muối sẵn, rau cỏ tự trồng. Thế là đủ!"

Điều hạnh phúc nhất mà người đàn ông này cho rằng đó là "phần thưởng" của các liệt sỹ dành cho gia đình mình là các con cái đều ngoan ngoãn, học hành giỏi giang. Hiện cả hai đứa con của bác Xuân đều theo học đại học ở Hà Nội.

Rồi ông bảo, trăn trở duy nhất của ông cũng như những người quản trang như ông là tìm được tên tuổi cho hơn 7.000 chiến sỹ đang yên nghỉ nơi đây, dù biết điều này là rất khó. Còn về phần mình, ông nguyện chăm sóc hương hồn liệt sỹ cho đến khi sức lực không còn đủ để leo lên hết những "bậc thang" của nghĩa trang./.
Nghĩa trang hữu nghị Việt-Lào nằm trên một triền đồi thuộc thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An), rộng hơn 6ha, là nơi yên nghỉ của gần 11.000 liệt sỹ, trong đó có tới 3/4 là liệt sỹ vô danh.

Hiện, cả nghĩa trang rộng lớn này chỉ có 10 quản trang chăm sóc.
 
Nguyễn Tâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục