Người Ai Cập muốn một cuộc cách mạng kinh tế

Nhiều doanh nhân Ai Cập có cùng suy nghĩ với người biểu tình, nhưng theo họ, cuộc cách mạng thứ hai không có lợi cho kinh doanh.
Nhiều doanh nhân Ai Cập có cùng chung nhịp đập với những thanh niên đang biểu tình tại quảng trường Tahir, trung tâm thủ đô Cairo. Nhưng theo họ, cuộc cách mạng thứ hai không có lợi cho công việc kinh doanh của họ.

Ông Abdallah Rizk, chủ một công ty chuyên kinh doanh phụ tùng xe hơi ở Cairo, khẳng định: "Hồi tháng 1, tôi đã tham gia biểu tình lật đổ chế độ cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Nhưng ngày hôm nay, chúng tôi không cần thêm cách mạng nữa. Chúng tôi muốn rằng nền kinh tế phải phát triển. Đó mới là sự thay đổi mà chúng tôi cần."

Tại phố Khalig el-Khor, quảng trường Ramsis, cách quảng trường lịch sử Tahir vài trăm mét, một khung cảnh đìu hiu vắng vẻ án ngữ tại rất nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu cơ khí. Các chủ kinh doanh ở đây chỉ còn biết ngồi suốt cả ngày ở công ty của họ để đợi khách hàng. Ông Rizk khẳng định; "Xuất khẩu của chúng tôi đã giảm tới 80% kể từ tháng 1, thời điểm nổ ra các cuộc biểu tình chống chính phủ."

Ông Rizk cho rằng, các vụ đụng độ giữa người biểu tình chống chính quyền quân sự và lực lượng an ninh trong những ngày qua thực sự không có lợi cho đất nước. Ai Cập không phải là Tahir. Ông Rizk nói: "Chắc chắn là vẫn có tham nhũng, sự bất công. Vẫn chưa có sự thay đổi nào trong thời gian qua."

Với việc bạo lực bùng phát trở lại, hãng chuyên đánh giá mức độ tin cậy về tín dụng, Standard & Poor ngày 24/11 đã hạ bậc chỉ số tín nhiệm nền kinh tế Ai Cập và xếp nước này trong nhóm có viễn cảnh tiêu cực. Standard & Poor cũng cho rằng những quyết định của chính quyền quân sự đã làm giảm năng lực của chính phủ trong việc cải thiện tài chính công, đồng thời nhấn mạnh dự trữ ngoại hối của Ai Cập đã giảm xuống chỉ còn 22 tỷ USD vào ngày 31/10 vừa qua, thay vì như 36 tỷ USD hồi đầu năm nay.

Thất nghiệp cao cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các vụ biểu tình chống chính quyền. Rất nhiều thanh niên đã tốt nghiệp đại học phải rất khó khăn mới có thể tìm được việc làm. Nhiều người trong số đó nghĩ đến chuyện rời bỏ tổ quốc để ra nước ngoài.

Các vụ bạo lực, sự bất ổn chính trị, đình công ở nhiều nghành, lĩnh vực du lịch bị giảm sút mạnh đã khiến cho Ai Cập bị thiệt hại tới 3 tỷ USD trong năm 2011, và đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới 10% lực lượng lao động nước này.

Dự báo tăng trưởng GDP trong tài khóa 2011/2012 không vượt quá 2%, so với 6% trong những năm trước đây. Giá cả tăng cao và thâm hụt ngân sách ước tính 9,5% GDP trong tài khóa 2010/2011, so với 8,1% năm trước đó.

Và nếu người biểu tình tại quảng trường Tahir cho rằng hệ thống chính trị vẫn như vậy thời hậu Tổng thống Mubarak, thì đối với những người khác, sự tham ô vẫn còn đó, điều đó tạo ra hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo. Theo ước tính, gần 40 triệu người Ai Cập (51% dân số) sống dưới mức nghèo khổ chỉ với dưới 2 USD/ngày. Ông Rizk nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn ổn định, chúng tôi muốn một tổng thống mới."

Phía bên kia sông Nil, tại khu phố buốn bán Soleimane Gawhar, nơi có rất nhiều người nước ngoài sinh sống, mọi người vẫn chuyên tâm vào công việc kinh doanh của họ, khác xa với khung cảnh bạo lực tại quảng trường Tahir. Các nhà hàng, quán bar, cửa hàng vẫn mở cửa bình thường. Mọi người như có vẻ không quan tâm đến những gì đang diễn ra tại quảng trường Tahir.

Ông Mohammad Al-Assar, chủ một quán bar, nói: "Tôi chỉ quan tâm đến việc mỗi ngày chúng tôi thu được bao nhiêu tiền thôi. Tôi mong tình hình sớm ổn định trở lại để có thêm nhiều du khách"./.

Thanh Bình/Cairo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục