Người anh hùng "tình cờ" chặn đứng vụ tấn công mã độc là ai?

Lý lịch của Hutchins khiến mọi người càng cảm thấy thán phục anh sau khi anh trở thành một "người anh hùng tình cờ" cứu toàn bộ thế giới khỏi một trong những cuộc tấn công mạng tồi tệ nhất.
Người anh hùng "tình cờ" chặn đứng vụ tấn công mã độc là ai? ảnh 1Marcus Hutchins. (Nguồn: AP)

Marcus Hutchins là một thiên tài tự học ngành máy tính và làm việc trong lĩnh vực an ninh mạng.

Chàng trai 22 tuổi này sống cùng cha mẹ và không đi học đại học.

Lý lịch trích ngang trên của Hutchins khiến mọi người càng cảm thấy thán phục anh sau khi anh trở thành một "người anh hùng tình cờ" cứu toàn bộ thế giới khỏi một trong những cuộc tấn công mạng gây nhiều thiệt hại nhất trong lịch sử.

Hutchins đã được tán dương vào cuối tuần qua khi anh này đã tìm ra một "công cụ tự diệt" trong phần mềm độc hại WannaCry đang lan rộng như một vụ cháy rừng trên Internet.

[Mã độc WannaCry vừa bị chặn đã xuất hiện phiên bản 2.0 nguy hiểm hơn]

Hutchins đã khám phá ra lỗ hổng này của WannaCry khi cố gắng tìm hiểu cấu trúc của phần mềm độc hại khiến hệ thống y tế Anh tê liệt trong một thời gian dài.

Anh phát hiện ra WannaCry dường như đang tham chiếu một đường dẫn (URL) mà tại đó không có một trang web thực - vì vậy anh đã mua URL đó như một cách kiểm tra xem có bao nhiêu lần mã độc đòi tiền chuộc (ransomware) đã cài đặt chính nó.

Sau đó anh ta nhận ra rằng mình đã thực sự có thể giết chết ransomware, đơn giản bằng cách sử dụng đường dẫn đó.

​Việc làm này đã giúp ngăn chặn một cuộc tấn công đã và đang càn quét trên hệ thống máy tính toàn thế giới. Phần mềm độc hại này đã chiếm được một số lượng lớn các máy tính ở hầu hết các quốc gia trên thế giới trước khi Hutchins bước vào.

Công việc nghiên cứu cấu trúc các phần mềm độc hại của Hutchins là một phần công việc của anh này tại một công ty an ninh mạng mà anh làm việc từ nhà riêng.

Một số người đã lo ngại nhà phân tích an ninh mạng trẻ tuổi bị những kẻ gây ra vụ phát tán mã độc tấn công. Nhưng Hutchins nói trên Twitter rằng anh không lo sợ sự an toàn của mình, và chỉ lo ngại con virus này có thể hồi sinh trở lại và đe dọa tàn phá mức độ cao hơn với các hệ thống máy tính cũng như tức giận với những soi mói của một số người về sở thích món pizza của anh này.

Điều này hoàn toàn có cơ sở khi các chuyên gia an ninh mạng khác đã cảnh báo về sự xuất hiện của các phiên bản phái sinh WannaCry - hay còn được gọi là WannaCry 2.0.

Chuyên gia bảo mật Costin Raiu, thuộc công ty bảo mật web Kaspersky Lab, nói với trang tin Hacker News rằng họ đã nhìn thấy các phiên bản mới của phần mềm độc hại WannaCry không có tên miền dùng để tắt hoạt động của phần mềm độc hại này như đã có trong phiên bản đầu tiên - tạm gọi là WannaCry 1.0./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục