Người biểu tình phản đối cải cách lao động của chính phủ Pháp

Ngày 15/9, hàng chục nghìn người biểu tình đã đổ ra các đường phố trên khắp nước Pháp để phản đối Luật Lao động mới của chính phủ nước này.
Người biểu tình phản đối cải cách lao động của chính phủ Pháp ảnh 1Người dân Pháp tham gia biểu tình phản đối luật lao động tại thủ đô Paris, Pháp ngày 23/6. (Nguồn: EPA/TTXVN)

​Ngày 15/9, hàng chục nghìn người biểu tình đã đổ ra các đường phố trên khắp nước Pháp để phản đối Luật Lao động mới của chính phủ nước này.

Cảnh sát chống bạo động đã phải sử dụng lựu đạn hơi cay để giải tán những người quá khích trong đợt biểu tình mới nhất trên.

Các vụ đụng độ đã xảy ra trong đợt biểu tình có sự tham gia của hàng chục nghìn người đã khiến 4 người và 15 cảnh sát bị thương.

Cảnh sát phải dùng vòi rồng và hơi cay để giải tán các cuộc biểu tình biến thành bạo lực tại Nantes, miền Tây nước Pháp, vốn là một trong số tỉnh, thành phố ít phải chứng kiến các cuộc biểu tình.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve tuyên bố "hành động bạo lực này là không thể chấp nhận được," đồng thời cho biết cảnh sát đã bắt giữ 62 người.

Theo giới chức Pháp, khoảng 78.000 người đã tiến hành biểu tình trên khắp cả nước, trong đó 13.000 người tập trung tại thủ đô Paris.

Trong khi đó, những người tổ chức biểu tình cho biết khoảng 170.000 người tham gia, còn tại thủ đô Paris có 40.000 người.

Do các nhân viên kiểm soát không lưu cũng tham gia biểu tình, nhiều chuyến bay đến và đi từ Pháp đã bị hủy bỏ.

Giới chức ngành hàng không Pháp cho biết các hãng hàng không hoạt động tại các sân bay ở Paris đã phải hủy 15% số chuyến bay trong ngày 15/9.

Hãng máy bay giá rẻ Ryanair cũng thông báo hủy nhiều chuyến bay đến hoặc quá cảnh qua Pháp.

Luật Lao động mới, do Tổng thống Pháp François Hollande ban hành ngày 9/8, được cho là nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức trên 10% của quốc gia này.

Đây được coi là một trong những cải cách quan trọng nhất của Tổng thống Hollande trong thời gian cầm quyền.

Tuy nhiên, Luật Lao động đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các tổ chức công đoàn đứng đầu là Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) và Lực lượng công nhân (FO) cũng như một bộ phận các nghị sỹ chống đối thuộc phe đa số của đảng Xã hội (PS) cầm quyền.

Những người phản đối cho rằng luật mới này quá ưu ái giới chủ, tạo điều kiện để giới chủ dễ dàng sa thải người lao động.

Trong khi đó, Chính phủ Pháp cho rằng Luật Lao động là “văn bản tiến bộ,” nhằm mục tiêu cởi trói cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp tuyển dụng dễ dàng hơn, giúp chính phủ giải quyết bài toán việc làm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục