Người chăn nuôi lợn khó bắt mối “đầu ra” với doanh nghiệp

Người chăn nuôi lợn chủ yếu chăn nuôi theo hình thức tự phát, quy mô nhỏ, bán qua thương lái và phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường. Cách làm này đang bộc lộ nhiều yếu kém trong nền kinh tế thị trường.
Người chăn nuôi lợn khó bắt mối “đầu ra” với doanh nghiệp ảnh 1 Trang trại chăn nuôi lợn tại huyện Sóc Sơn. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Những ngày qua, người chăn nuôi lợn ở nhiều địa phương đứng ngồi không yên khi giá lợn không ngừng tụt dốc. Thậm chí nhiều hộ gia đình đã tính chuyện “treo chuồng” vì lứa lợn “lỗ nặng” này.

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giải cứu người chăn nuôi thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng và nhiều doanh nghiệp cũng đã nhập cuộc giúp người chăn nuôi, nhưng hiện người chăn nuôi vẫn gặp khó trong việc bắt mối tìm “đầu ra” cho mình.

“Chết hai lần vì lợn”

Anh Phạm Xuân Thái, thôn Phú Mỹ, xã An Lão (Bình Lục, Hà Nam) cho biết, lứa lợn này xem như nhà anh chết hai lần vì ngoài chăn nuôi lợn xuất bán, nhà anh còn là đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi cho bà con trong vùng.

[Bà Rịa-Vũng Tàu:Tồn kho nhiều lợn quá lứa, tiêu thụ gặp khó]

“Như những hộ khác, nếu bị lỗ cũng chỉ do việc không bán được lợn, còn nhà tôi, ngoài lợn giá rẻ thì còn không thu hồi được tiền thức ăn chăn nuôi của bà con. Tính sơ bộ, hiện người dân còn nợ hơn 3 tỷ đồng tiền thức ăn chăn nuôi, mà nguy cơ nhiều hộ không có khả năng trả nợ nên khó thu hồi. Như vậy coi như mình ‘chết kép’,” anh Thái thở dài kể.

Gia đình anh Thái là một trong những hộ chăn nuôi lợn lớn nhất tại xã An Lão. Hiện nhà anh nuôi với quy mô đỉnh điểm lên đến khoảng 600 con. Anh có hai hệ thống chuồng trại khép kín với hệ thống dàn lạnh, hút gió đồng thời có xử lý hầm biogas và phải thuê thêm hai nhân công chăm sóc đàn lợn hằng ngày.

Đầu tư quy mô là thế, nhưng anh Thái cho biết, riêng năm nay, thời điểm tháng Hai, tháng Ba, nhà anh  xuất bán khoảng 350 con và tính ra đã lỗ khoảng 600 triệu đồng. Với giá lợn “chạm đáy” như hiện nay, dự kiến số tiền lỗ còn cao hơn.

“Với giá lợn đang thấp ‘kỷ lục’ như hiện nay thì ai nuôi lợn cũng bị lỗ. Người nuôi ít lỗ ít, nuôi nhiều như mình phải nói là lỗ đậm. Hiện lứa lợn đang đến kỳ xuất bán cũng khoảng gần 200 con, nhưng thương lái chỉ trả mức giá 18.000 đồng/kg lợn hơi. Với mức giá này, tôi chịu lỗ gần 1 tỷ đồng/lứa lợn,” anh Thái cho biết.

Theo anh Thái, hiện trong chuồng vẫn còn hơn 100 con lợn từ 1,4 tạ đến gần 2 tạ nhưng rất khó bán và ít người hỏi mua. Tuy nhiên, đối với lứa lợn quá cỡ này thì giá nào anh cũng phải bán chứ không thể kéo dài thời gian nuôi được nữa.

Tuy nuôi với quy mô lớn, nhưng khi hỏi về “đầu ra” tiêu thụ, anh Thái cho biết, gia đình anh cũng chủ yếu bán qua các thương lái thu mua. Do đó, nếu giá thị trường ổn định thì có lãi, còn giá xuống thấp cũng đành chịu. Việc tự bắt mối với các doanh nghiệp dường như quá khó đối với mô hình chăn nuôi nông hộ.

Cũng thất bại cay đắng trong lứa lợn này, ông Tống Công Trung, xã An Lão đành “mặt dày” ăn vạ tại cửa hàng cung cấp thức ăn chăn nuôi để tiếp tục được vay cám nuôi lợn cầm cố chờ ngày bán.

Người chăn nuôi lợn khó bắt mối “đầu ra” với doanh nghiệp ảnh 2Nông dân chủ yếu chăn nuôi lợn theo hình thức tự phát. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Ông Trung cho biết: “Giờ lợn không bán được mà các đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi cũng ngừng bán nợ cho dân, không còn cách nào khác tôi phải 'Chí Phèo' gọi điện đề xuất, nếu họ không bán cám cho tôi nuôi lợn thì tôi sẽ chở lợn ra và lấy lợn trả tiền cám cho họ. Còn nếu tiếp tục cung cấp cám thì bán được lợn tôi sẽ trả tiền cám. Sau đó, họ buộc phải đồng ý cung cấp cám cho lứa lợn này.”

[Bộ Công Thương huy động tổng lực giải cứu ngành chăn nuôi lợn]

Theo ông Trung, nuôi lợn gần chục năm nhưng năm nay là năm nuôi thất bại thảm hại nhất vì dân nuôi không được, bán không xong, vốn liếng tích cóp những lứa trước cạn hết.

Tuy nhiên, điều đáng nói đó là mô hình chăn nuôi hiện nay của các nông dân chủ yếu là chăn nuôi tự phát chưa có sự liên kết hoặc liên kết lỏng lẻo. Đó chính là nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi phát triển bấp bênh.

“Khó liên kết vì dân không thích”

Nhiều hộ chăn nuôi cũng bày tỏ mong muốn có sự liên kết với doanh nghiệp hoặc liên kết sản xuất theo mô hình hợp tác xã nhưng xem ra vấn đề này vẫn khó thực hiện.

Anh Phạm Quang Thái là một người có kinh nghiệm trong sản xuất đồng thời với cương vị là Phó Chủ tịch hội đồng quản trị hợp tác xã Hòa Bình (xã An Lão) cũng từng có ý tưởng thành lập hợp tác xã chăn nuôi, nhưng để thực hiện thực sự còn nhiều vướng mắc.

“Việc thành lập hợp tác xã cũng khó, bởi khó tìm được người cùng chung chí hướng. Trên địa bàn xã ít người nuôi nhiều, những hộ khác họ chỉ nuôi khoảng dưới 100 con. Nếu nói về việc thành lập hợp tác xã thì mặt bằng chung lợi nhuận nó sẽ giảm đi song sự bền vững nó lâu hơn nhưng bà con lại không thích như thế,” anh Thái cho hay.

Anh Thái cũng giải thích thêm, thành lập hợp tác xã, có rất nhiều chi phí và chuỗi liên kết bao giờ giá thành cũng sàn sàn, tuy nhiên người chăn nuôi chỉ luôn nhìn cái lợi trước mắt. Ví dụ như thời điểm giá thị trường cao thì bà con không muốn tham gia hình thức hợp tác xã nhưng không nghĩ đến việc lúc giá thấp như thế này.

Do đó, anh Thái cũng đề xuất, Nhà nước phải làm sao để ổn định được giá cả từ thị trường thức ăn chăn nuôi đến lúc giá con lợn bán ra thì người chăn nuôi mới yên tâm sản xuất.

“​Giá cả chỉ cần ổn định ​với mức lãi từ 300.000 đến 400.000 đồng/con chứ không nhất thiết phải lãi 1-1,5 triệu đồng/con hoặc có những hộ lãi hơn 2 triệu đồng/con dẫn đến chăn nuôi ồ ạt và bấp bênh. ​Nếu ổn định mức lãi khoảng 300.000-400.000 đồng/con lợn nhưng bền vững thì các hộ ​mới yên tâm chăn nuôi. ​Khi đó, người nuôi đáng ra ​chỉ đầu tư nuôi 30 con thì họ sẽ mở rộng khoảng 50 con và thu nhập theo đó sẽ đều đều,” anh Thái nói.

Rút kinh nghiệm sau lứa lợn năm nay, ông Trung bày tỏ mong muốn có sự liên kết chặt chẽ hơn với các đơn vị cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi và đặc biệt là khâu “đầu ra.” Thế nhưng người nông dân này cũng rất mơ hồ vì không biết làm sao để liên kết được và phải tìm doanh nghiệp ở đâu.

Người chăn nuôi lợn khó bắt mối “đầu ra” với doanh nghiệp ảnh 3Các hộ chăn nuôi lợn tại huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định tiếp tục chăm sóc đàn lợn chờ giá nhích lên mới xuất chuồng. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

“Thực sự, chúng tôi rất muốn liên kết với các doanh nghiệp, nếu có đơn vị nào về cam kết thu mua và đặt yêu cầu điều kiện chăn nuôi chúng tôi sẵn sàng thực hiện theo. Nhưng cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chủ yếu chăn nuôi theo hình thức tự phát, bán qua thương lái và phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường,” ông Trung cho hay.

Gắn với thị trường

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện nay, đa phần người chăn nuôi dù nuôi nhỏ lẻ hay nuôi quy mô trang trại thì vẫn tự sản xuất từ con giống, nuôi lớn cho tới khi xuất bán ra thị trường thông qua thương lái. Cách làm này đang dần bộc lộ nhiều yếu kém trong bối cảnh nền kinh tế thị trường.

"Nghịch lý ở đây là dù giá bán tại chuồng, cổng trại xuống rất thấp nhưng giá bán thịt lợn tại các chợ, siêu thị đến tay người tiêu dùng thì vẫn duy trì ở mức cao, có nghĩa là người tiêu dùng không mua được thịt giá rẻ, người chăn nuôi bán lỗ vốn trong khi phần chênh lệch được thương lái, khâu lưu thông trung gian hưởng,” đại diện Cục Chăn nuôi cho hay.

["Thủ phủ" nuôi lợn của miền Bắc: Nhiều người dân "mất cả chì lẫn chài"]

Đại diện Cục Chăn nuôi cũng nhấn mạnh, nghịch lý này chỉ được giải quyết nếu người chăn nuôi chuyển dần từ cách làm truyền thống sang chăn nuôi với quy trình khép kín từ sản xuất cho tới cung ứng; tham gia chuỗi liên kết; đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y... (như ở Lào Cai, Bình Phước, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ...).

Cục Chăn nuôi cũng đưa ra giải pháp ổn định và phát triển sản xuất bằng cách tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội, hiệp hội… .Thông qua đó chủ động kiểm soát việc tổ chức sản xuất chăn nuôi gắn với thị trường và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Mặt khác, Cục Chăn nuôi cũng chủ trương phát triển thị trường trong nước, tham gia vào thị trường điều tiết giá đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Đặc biệt, yêu cầu các địa phương thực hiện tốt khâu kết nối và tận dụng mọi cơ hội để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

"Trước mắt, các tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ người dân mở các điểm bán thịt lợn (người chăn nuôi tập hợp/liên kết nhóm để tự bán sản phẩm), nhằm giảm chi phí trung gian, giảm thua lỗ cho người chăn nuôi,” đại diện Cục Chăn nuôi nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục