Người chiến sỹ Điện Biên nhớ ngày khoét núi, mở đường

Người chiến sỹ Điện Biên năm xưa, Đại tá Đinh Văn Dung, giờ đã ngoài 80 tuổi nhưng những ký ức về trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ năm nào vẫn còn vẹn nguyên.
Người chiến sỹ Điện Biên nhớ ngày khoét núi, mở đường ảnh 1Các chiến sỹ công binh cắt hàng rào dây thép gai mở đường cho các chiến sĩ xung kích tấn công. (Nguồn: TTXVN)

Người chiến sỹ Điện Biên năm xưa, Đại tá Đinh Văn Dung, phường Lộc Hạ, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, giờ đã ngoài 80 tuổi. Với ông, những ký ức về trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ năm nào vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Ông tâm sự: “Ở tuổi của tôi, có nhiều chuyện không còn nhớ được nữa, song có những thứ tôi mang theo suốt cuộc đời không thể nào quên được, Điện Biên Phủ chính là một trong những điều đó.”

16 tuổi, chiến sỹ trẻ Đinh Văn Dung đã tham gia chiến đấu tại Trung đoàn 28, Đại đội 231 Lạng Sơn sau đó chuyển sang Trung đoàn 174, Đại đoàn 316.

Hai năm sau, ông tham gia chiến dịch ở đường số 4 và năm 1950 tham gia chiến dịch Đông Khê (Cao Bằng), chiến dịch Trần Hưng Đạo (Bình Liêu, Quảng Ninh).

Đến năm 1952, ông tiếp tục tham gia chiến dịch Tây Bắc và năm 1953 tham gia chiến dịch Thượng Lào.

Tháng 12/1953, ông cùng đại đoàn tham gia đánh Mường Bồn (Lai Châu). Đến ngày 20/12/1953 địch nhảy dù vào Điện Biên Phủ, ông cùng đồng đội chuyển về chân núi Tà Lèn chuẩn bị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Đầu năm 1954 là thời kỳ bắt đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cùng đồng đội tham gia làm đường, chuẩn bị chiến trường và làm công tác tham mưu, chuẩn bị bộ đội, huấn luyện bộ đội.

Lúc bấy giờ ông là Đại đội trưởng, Trợ lý Ban tham mưu gấp rút cùng Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Nguyễn Hữu An đi chuẩn bị chiến trường trên cứ điểm A1.

Ngày 30/2/1954, ông cùng Chỉ huy và Trung đoàn 174 tham gia tấn công cứ điểm đồi A1, tuy nhiên trận đánh đó quân ta chỉ chiếm được 2/3 vị trí.

Ông cho biết do đánh chậm nửa giờ nên quân ta bị phi pháo của địch tiêu hao. Một tháng sau đó, đêm 1-2/4, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 được điều động vào để tiếp tục đánh chiếm cứ điểm đồi A1. Lúc này ông cũng làm nhiệm vụ dẫn đường, cùng cơ quan tham mưu đi cùng lực lượng tham gia chiến đấu.

Tuy nhiên đợt tấn công lần 2 này vẫn chưa chiếm được cứ điểm, quân ta buộc phải rút về củng cố lực lượng chuẩn bị đánh đợt 3, chỉ để một tiểu đoàn ở lại để bao vây ngăn địch.

Sau đợt tấn công lần 2, ông cùng đồng đội tiến hành đào đường hầm dài 49m từ chân đồi vào tới lòng địch để đưa vào đó 1 tấn thuốc nổ. Nhiệm vụ quan trọng nhất của ông lúc bấy giờ là tìm hiểu tình hình địch, huấn luyện bộ đội, trang bị vũ khí, hỏa lực cho các đội xung kích và chuẩn bị chiến trường.

Ông tâm sự khó khăn không chỉ với riêng ông mà tất cả đồng đội thời kỳ này, từ không quen thời tiết cho đến những thiếu thốn trong ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên, dù phải ăn măng rừng thay cơm, rải lá rừng để ngủ, mọi người vẫn luôn vui vẻ động viên nhau cố gắng cho trận chiến.

Ông nhớ khi ở Tà Lèn cả đại đội chỉ có một lạch nước phục vụ sinh hoạt, nhưng mọi người phân công nhau lấy nước rất kỷ luật, trật tự.

Trong sinh hoạt, chiến đấu, việc nhường băng cho nhau khi cùng bị thương, hay nhường cơm, nước sinh hoạt là những hành động mặc dù rất nhỏ song lại thể hiện tình đoàn kết, yêu thương, sẻ chia giữa những người đồng đội, hết sức cảm động.

Nói về những kỷ niệm khó quên cùng đồng đội trong thời kỳ này, ông xúc động chia sẻ khi đó, mỗi chiến sỹ được giao nhiệm vụ đào một đoạn chiến hào và dùng luôn đoạn chiến hào được đào đó làm nơi sinh hoạt. Chiến hào phải được đào ven bìa rừng, ở những dốc đứng, đường hẹp để tránh bị địch phát hiện nên công việc rất khó khăn, vất vả, thế nhưng ai cũng làm việc hết sức khẩn trương, vui vẻ.

Ông vẫn còn nhớ như in lúc đó cả đại đội chỉ có một chiếc đài nên buổi tối sau khi ăn xong mọi người đều tập trung lại nghe để biết về tình hình đang diễn ra cũng như cuộc sống ở hậu phương.

Đối với họ lúc đó, nỗi buồn lớn nhất phải chứng kiến là sau mỗi trận đánh nhìn thấy số nắm cơm còn thừa mang về nhiều. Trước trận đánh mỗi chiến sỹ ra trận đều được chuẩn bị trước cho một nắm cơm để ăn trong lúc nghỉ, sau trận đánh, bao nhiêu nắm cơm còn thừa mang về là bấy nhiêu người đã hy sinh nằm lại chiến trường.

Ông cho biết vào 20 giờ 30 ngày 6/5 bộc phá nổ chính là hiệu lệnh tấn công toàn mặt trận, khi bắt đầu tấn công thì trời đổ mưa, mưa khoảng một giờ đồng hồ khiến các chiến sỹ ở dưới chiến hào bị nước ngập trên đầu gối nhưng mọi người đều cố gắng khắc phục, khổ nhất là pháo binh phải vận chuyển vũ khí, đạn dược lên trong tình hình thời tiết như thế.

Đến 4 giờ sáng 7/5, toàn bộ đồi A1 đã được quân ta chiếm đóng, báo lệnh toàn bộ khu Đông. 10 tiếng sau là lệnh tổng công kích toàn mặt trận, bộ đội hết sức vui mừng.

Ông nhớ lại khi đồi A1 được chiếm đóng, Trung tá Pugiê, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn dù số 6 của địch đóng ở đồi A1 bị bắt cùng 120 lính, ông cùng Trưởng ban địch vận Trần Ngọc Quế là hai người trực tiếp đứng khai thác thông tin. Toàn bộ số tù binh bị bắt đã được chia làm 3 đoàn và được áp tải đi Việt Trì và Thanh Hóa; trong đó ông cùng đồng đội tiến hành áp giải gần 3.000 tù binh đi theo hướng về Thanh Hóa, ông gọi đây là Cuộc hành trình nhân đạo đáng nhớ.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ ông còn tham gia nhiều chiến dịch ở Lào, Campuchia, Tây Nam. Ngày 10/3/1958, ông may mắn được trở lại Điện Biên sau chiến thắng lừng lẫy năm châu cùng với Sư đoàn 316, và đặc biệt may mắn là tại đây, ông được gặp Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Với phương châm biến “Không thành có, ít trở thành nhiều” ông cùng đồng đội đã vượt lên mọi khó khăn, gian khổ góp phần tạo nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy, một bản hùng ca vĩ đại của dân tộc.

Những chiến sỹ Điện Biên khoét núi, mở đường năm xưa là minh chứng cho ý chí, nghị lực và sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục