Người con Quảng Bình và 4 lần được gặp Đại tướng

Tiến sỹ Trương Minh Dục, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính khu vực 3, đã xúc động kể lại bốn lần được gặp Đại tướng.
Là người con của quê hương Quảng Bình, xúc động, buồn đau khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Minh Dục, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính khu vực 3, nay là Giảng viên cao cấp của Học viện, đã kể cho chúng tôi nghe về bốn lần được gặp Đại tướng trong niềm xúc động trào dâng.

Lần giở lại những hình ảnh và tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông cho biết, lần thứ nhất gặp Đại tướng cách đây hơn 40 năm, khi ông là một tân binh, lần cuối cũng đã cách đây 20 năm. Mỗi lần một hoàn cảnh khác nhau, nhưng để lại trong ông những kỷ niệm khó quên.

Ông kể, lần đầu tiên gặp Đại tướng vào cuối năm 1971, đầu năm 1972, khi ông ở Trung đoàn 228 thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Là một đơn vị pháo cao xạ, ông cùng đồng đội tích cực huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chuẩn bị đón Tết Nhâm Tý tại trận địa.

Vào một ngày cuối năm Tân Hợi, đơn vị vinh dự được đón Đại tướng tới thăm và chúc Tết. Là một tân binh, nhưng ông vinh dự được đơn vị cử đi đón Đại tướng tại trận địa Đại đội 4 Anh hùng trên đồi Quyết thắng phía Tây Nam cầu Hàm Rồng.

Khi đoàn xe chở Đại tướng và đoàn cán bộ quân đội dừng lại, Đại tướng xuống xe, bước đi vững chãi, dứt khoát. Ông chào cán bộ, chiến sỹ, hỏi han tình hình sức khỏe, tình hình đơn vị. Nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, Đại tướng thông báo tình hình thế giới, trong nước; tình hình xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tình hình chiến sự ở miền Nam và các chiến trường Lào, Campuchia.

Đại tướng khẳng định, mặc dù Mỹ bị thất bại nặng nề ở các chiến trường, nhưng với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, chúng tìm mọi cách phá hoại miền Bắc, ngăn chặn chi viện sức người, sức của của hậu phương đối với tiền tuyến.

Đại tướng căn dặn, trong sự nghiệp chi viện cho chiến trường miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế, cầu Hàm Rồng có vị trí chiến lược quan trọng trong huyết mạch giao thông từ Bắc vào Nam , nên đây là mục tiêu phá hoại của Mỹ.

Cầu Hàm Rồng cũng là một biểu tượng cho ý chí và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Vì vậy, chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng là một nhiệm vụ nặng nề nhưng là một niềm vinh dự lớn.

Đại tướng chỉ thị cho cán bộ, chiến sỹ toàn Trung đoàn phải ra sức luyện tập, nắm vững kỹ-chiến thuật, nâng cao ý thức cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, bằng mọi giá phải bảo vệ cầu Hàm Rồng, bảo đảm giao thông thông suốt để chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế.

Đại tướng hỏi thăm tình hình chuẩn bị đón Tết và chỉ thị cho lãnh đạo đơn vị phải chăm lo chu đáo về vật chất và tinh thần để bộ đội đón Tết, vui xuân. Nhân dịp năm mới, Đại tướng trao quà cho cán bộ, chiến sỹ toàn đơn vị. Năm đó, ngoài chế độ Tết chung của đơn vị, còn có thêm bánh kẹo, mứt, thuốc lá làm không khí Tết càng thêm ấm cúng.

Ấn tượng mãi trong ông là hình ảnh của một người đứng đầu quân đội rất gần gũi, hoà đồng và không thấy có khoảng cách giữa người lãnh đạo tối cao với một tân binh.

Lần thứ hai vào năm 1992, nhân dịp vào công tác tại Quảng Nam - Đà Nẵng, Đại tướng vào thăm và làm việc tại Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực III. Là một cán bộ khoa học trẻ, lúc bấy giờ mới bảo vệ luận án phó tiến sỹ ở Liên Xô về, ông có vinh dự được đón và dự buổi làm việc của Đại tướng tại trường.

Sau khi thăm khu giảng đường A2, Đại tướng được Ban Giám đốc thông báo về tình hình hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chăm lo đời sống của cán bộ, công nhân viên tại trường.

Nói chuyện với lãnh đạo, giáo viên và học viên của trường, Đại tướng khẳng định công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có vai trò quan trọng, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ cán bộ. Vì vậy, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Trường Đảng có vai trò quyết định đối với quá trình hình thành đội ngũ cán bộ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới.

Đại tướng căn dặn nhà trường phải quan tâm đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu lý luận, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm lo đời sống của đội ngũ cán bộ, công nhân viên và học viên.

Lần thứ ba, ông được gặp Đại tướng cũng vào năm 1992, tại Hội thảo khoa học kỷ niệm 120 năm Ngày sinh nhà chí sỹ yêu nước Phan Châu Trinh tại Đà Nẵng. Đại tướng được mời tham gia chủ trì hội thảo.

Thời kỳ đó, sau sự kiện Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, nhiều quan niệm đề cao tư tưởng cải lương, bất bạo động, phê phán quan điểm bạo lực cách mạng của Đảng ta. Nhiều ý kiến phát biểu sôi nổi nhưng rất căng thẳng.

Với phong thái điềm tĩnh, cầu thị, Đại tướng phân tích truyền thống dân tộc, bản chất của chủ nghĩa thực dân và khẳng định con đường bạo lực cách mạng để lật đổ chế độ thực dân, phong kiến không phải là ý muốn của Đảng, của nhân dân ta. Đảng và nhân dân ta muốn giành độc lập, tự do bằng con đường hòa bình, ít đổ máu. Nhưng chủ nghĩa thực dân, bọn phong kiến phản động không cho chúng ta làm điều đó. Vì vậy, để giành chính quyền, Đảng ta phải dùng bạo lực cách mạng, với hai lực lượng là chính trị và vũ trang, hai hình thức là đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang.

Tuy nhiên, Đại tướng cũng cho rằng, Đảng ta không tuyệt đối hóa bạo lực cách mạng, không tuyệt đối hóa đấu tranh vũ trang mà tận dụng những hình thức đấu tranh nghị trường, đấu tranh vì dân sinh dân chủ, đấu tranh trên mặt trận văn hóa, báo chí, văn nghệ để thức tỉnh quần chúng, tập hợp lực lượng. Ngay việc thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm 1944, Bác Hồ cũng chỉ thị tuyên truyền trọng hơn quân sự. Có nghĩa là chính trị phải đi trước, quân sự mới đi sau và phục vụ cho chính trị.

Những phân tích của Đại tướng làm cho mọi người tham gia hội thảo thấu hiểu sâu sắc hơn những quan điểm của Đảng. Sau này, trong nhiều lần trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước, Đại tướng nói: "Nếu không có chiến tranh, tôi là một thầy giáo dạy sử."

Lần thứ tư, ông vinh dự được gặp Đại tướng tại Hội thảo khoa học Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến lược đại đoàn kết dân tộc do Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin - Tư tưởng Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế phối hợp tổ chức năm 1993 tại thành phố Huế. Đại tướng với tư cách là cố vấn của chương trình khoa học cấp Nhà nước nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, được mời tham gia chủ trì hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Đại tướng phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, ý nghĩa của tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay. Đại tướng phân tích vai trò của đại đoàn kết trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và cho rằng, đoàn kết trong Đảng giữ vai trò quyết định. Có đoàn kết trong Đảng thì mới phát huy được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Cho nên mỗi cán bộ, đảng viên phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như “giữ gìn con ngươi của mắt mình” như Bác đã căn dặn trong Di chúc.

Buổi tối, tại nhà khách Trung ương bên bờ sông Hương thơ mộng, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức chiêu đãi Đại tướng và các nhà khoa học. Đại tướng đã chúc sức khỏe các nhà khoa học, mong các nhà khoa học đạt được nhiều thành công trong nghiên cứu.

Trong nỗi buồn khôn nguôi, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Minh Dục bộc bạch: "Nhớ và ngẫm nghĩ lại những lần gặp và tiếp xúc với Đại tướng, tôi thấy tầm cao của nhà chính trị, quân sự thiên tài, nhưng phong thái khoan thai, bao dung rất gần gũi, ấm cúng tình người của ông. Là một người lính, một người con quê hương Quảng Bình, một người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, tôi vẫn cảm thấy Đại tướng như hiện hữu trong tôi và tôi nguyện suốt đời làm thật nhiều điều mà đã được vinh dự nghe Đại tướng nói"./.

Văn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục