Người đàn bà “mất ăn mất ngủ” vì chuyện dạy chữ

Sau nhiều năm trực tiếp dạy luyện chữ đẹp, cô Đặng Mai Đông đã xây dựng thành công cuốn “Giáo án luyện chữ đẹp từ xa.”
Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, cô đã xây dựng thành công cuốn “Giáo án luyện chữ đẹp từ xa” hiện đang thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội, cũng như giáo viên trên địa bàn cả nước. Cô là Đặng Mai Đông – người sáng lập ra Trung tâm luyện chữ đẹp Mai Đông ở Hà Nội.

Nỗi ám ảnh mang tên… chữ xấu

Có mặt tại Trung tâm luyện chữ đẹp Mai Đông ở số 5 phố Trúc Khuê, Nam Thành Công, Hà Nội, được tận mắt chứng kiến chữ viết của các học viên ở đây, tôi không khỏi ngạc nhiên trước những nét chữ tròn trịa, mềm mại, có nét thanh, nét đậm, trông rất đẹp.

Tiếp chuyện tôi trong căn phòng nhỏ chừng 15m2, nơi mà hàng ngày bọn trẻ vẫn thường ngồi đó luyện viết chữ, cô Đông, một phụ nữa có khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, cười tươi kể: "Mình sinh năm 1965 ở Phú Xuyên – Hà Tây cũ, năm 1982 học Đại học sư phạm Văn và làm công tác giảng dạy sau khi ra trường. Tuy nhiên, đến năm 1997, mình nghỉ dạy và đi học dược về mở cửa hàng bán thuốc tại nhà."

Quãng thời gian kinh doanh thuốc, cô thường viết tên và giá của một số loại thuốc lên bảng quảng cáo trước cửa hàng. Vì từng là giáo viên sư phạm văn nên chữ của cô rất đẹp. Khách hàng vào mua thuốc ai cũng tỏ ra ngạc nhiên bảo: “Chữ bác sỹ mà đẹp thế!”

Cô tâm sự, trong quá trình bán thuốc cho khách, cô thấy có rất nhiều đơn thuốc mà nếu không có “chuyên môn” thì “người trần mắt thịt” ngồi dịch cả ngày cũng chẳng ra. Từ đó, cô đã phần nào hiểu được lý do vì sao người ta vẫn thường đem chữ xấu gắn với cụm từ “chữ bác sĩ.” Thế là chuyện chữ đẹp, chữ xấu bắt đầu ám ảnh trong đầu cô từ đó.

Mặc dù đã nghỉ dạy nhưng cái “máu nghề nghiệp” trong cô vẫn còn, thế là ngoài việc bán thuốc, cô còn trực tiếp kèm dạy con cháu trong nhà và những người thân quen viết chữ. Dưới sự dìu dắt của cô các cháu tiết bộ rất nhanh.

Cũng vì thế, cái “máu nghề nghiệp” trong cô trỗi dậy mạnh mẽ. Với chuyên môn sư phạm sẵn có, cộng với những vương vấn, trăn trở về chữ viết, cô quyết định từ bỏ việc bán thuốc và nuôi ý định mở lớp luyện chữ tại nhà.

Ban đầu mới chỉ là ý tưởng nhưng rất nhiều người ở khu Nam Thành Công đã mang con đến nhờ cô dậy viết chữ. Thế là cô đã đẩy nhanh tiến độ thành lập một trung tâm luyện chữ của riêng mình. Đến tháng 12/2004, cô chính thức cho khai trương Trung tâm luyện chữ đẹp Mai Đông.

Những ngày đầu, trung tâm của cô chỉ có 76 em nhưng chỉ sau đó ba tháng, con số đó đã tăng lên gần 300 em. Nhận thấy nhu cầu học viết chữ trong xã hội là rất cao, cô bắt đầu đi nghiên cứu xây dựng cho mình một giáo án với phương pháp dạy viết chữ riêng.

Đến tháng 12/2004, cuốn “Giáo án luyện chữ đẹp từ xa” của cô được Bộ Văn hóa - Thông tin, Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật cấp giấy chứng nhận và đến năm 2008, thương hiệu Mai Đông cũng đã được cô đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Phi, luyện chữ đẹp cho học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học hiện đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội và ngành giáo dục. Luyện chữ đẹp đòi hỏi khoa học nên ngoài việc tuân theo những quy chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì phương pháp dạy là rất quan trọng. Phương pháp luyện chữ của Mai Đông hội tụ đầy đủ hai yếu tố trên và rất phù hợp với học sinh tiểu học.

Quyết tâm xóa nỗi ám ảnh

Mỗi năm cả nước có hàng triệu học sinh bước vào lớp một và bài học đầu tiên mà các em được học là viết chữ. Nhưng phần lớn thầy cô dạy chữ cho các em bằng kinh nghiệm và sự bắt chước máy móc là chính chứ chẳng có một phương pháp hay một giáo trình giảng dạy nào cả. Đó là một trong số những nguyên nhân khiến nhiều giáo viên sợ phải dạy lớp một.

"Cũng vì dạy thiếu phương pháp mà dẫn tới tình trạng chữ viết 'như gà bới' của học sinh hiện nay. Môn học nào cũng có một phương pháp, dạy chữ cũng vậy, cũng cần phải có phương pháp," cô Đông bày tỏ.

Cùng thời điểm trung tâm của cô ra đời thì cũng có rất nhiều trung tâm luyện chữ khác được thành lập nhưng trung tâm của cô được nhiều người biết đến nhất. Không ít giáo viên đã tìm đến xin học phương pháp dạy chữ của cô và không giấu ý định về mở trung tâm ở quê. Thế là ngoài việc dạy chữ cô còn dạy cả nghề cho những ai có nhu cầu.

Cô nhớ lại, giáo viên đầu tiên mà cô dạy là cô Vũ Thị Khánh Dư và Đặng Thị Thu Hương đến từ Tuyên Quang. Hiện nay, họ đã mở trung tâm tại Tuyên Quang và đang thu hút được đông đảo học sinh theo học. Tiếp theo là cô Lê Thị Hương ở Thanh Hóa ra học và rồi mở trung tâm tại số 72, Triệu Quốc Đạt, thành phố Thanh Hóa.

Thậm chí thầy Nguyễn Hoàng Vũ ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng ra học phương pháp của cô và về mở trung tâm luyện chữ ở số 108 Lê Sát, phường Tân Quý, Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bác Nguyễn Ngọc Bùi nhà ở phố Hàng Đường – Hà Nội chia sẻ: "Sau hai khóa học tại trung tâm của cô Đông, nếu mang chữ viết của tôi trước kia so với bây giờ thì đúng là 'một trời một vực'." Ngoài học viết chữ, tôi còn học cả phương pháp dạy chữ của cô Đông để những lúc nhàn rỗi còn dạy viết cho đứa cháu nội đang học lớp một!

Cô Đông tâm sự, rất nhiều giáo viên khi tìm đến cô đều bày tỏ mong muốn bộ môn dạy chữ sẽ được đưa vào các chương trình đào tại các trường sư phạm để đội ngũ giáo viên trong tương lai không còn bị ám ảnh khi được phân công dạy các em lớp một nữa và cũng để tránh chữ viết “muôn hình vạn trạng” cả về hình thức lẫn kiểu chữ như hiện nay.

“Ai cũng phải có một nghề để sống, để mưu sinh, để tồn tại. Tôi cũng vậy, nghề dạy chữ đã nuôi sống tôi nhưng ngoài việc kiếm sống ra tôi luôn cố gắng làm một điều gì đó có ý nghĩa cho xã hội. Mục đích của tôi là đóng góp một phần  nhỏ của mình vào việc đẩy lùi nạn chữ xấu ở lứa tuổi học sinh hiện nay,” cô Đông nói./,

Thanh Ngọc/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục