Người dân Bình Định chịu thiệt hại hàng trăm tỷ đồng sau cơn bão số 5

Bão số 5 đổ bộ vào thành phố Quy Nhơn và các huyện ven biển tỉnh Bình Định gió mạnh, kéo dài trong 9 giờ, đã gây ra thiệt hại lớn. Tổng thiệt hại ước tính 358 tỷ đồng.
Người dân Bình Định chịu thiệt hại hàng trăm tỷ đồng sau cơn bão số 5 ảnh 1Kè biển xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, bị sóng biển cuốn trôi, gây sạt lở hơn 50m. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Ngày 7/11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định về công tác khắc phục hậu quả bão số 5.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết bão số 5 đổ bộ vào thành phố Quy Nhơn và các huyện ven biển tỉnh Bình Định gió mạnh, kéo dài trong 9 giờ, đã gây ra thiệt hại lớn.

[Bão số 6 sẽ tăng cấp nhanh, đổi hướng quay về phía Việt Nam]

Toàn tỉnh có 143 nhà sập, 1.164 nhà hư hỏng, 2.042 nhà ngập nước; 79 tàu bị hư hỏng; hơn 1,5km kè biển sập, sạt lở; 4.500ha lúa mùa và 663ha hoa màu bị ngập, hư hỏng; 13 trường học bị ảnh hưởng; 133 cột điện cao thế và hạ thế gãy đổ; 10km đường dây điện bị đứt; 8 công trình cấp nước bị hư hỏng... Tổng thiệt hại ước tính 358 tỷ đồng.

Sau bão, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, tháo dỡ, thu gom, che chắn tạm thời và tìm nơi trú tạm cho hộ dân bị sập nhà; hỗ trợ khẩn cấp các hộ có nhà bị sập; giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội kiểm tra và đề xuất hỗ trợ.

Đối với kè biển Nhơn Hải bị sạt lở, cuốn trôi 14 căn nhà và uy hiếp hàng trăm căn nhà khác, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp; chỉ đạo xã Nhơn Hải sử dụng lực lượng xung kích xã di dời dân ở sát kè, tiếp tục gia cố tạm.

Sở Giao thông và Vận tải tỉnh triển khai khôi phục các tuyến tỉnh lộ sạt lở, đảm bảo giao thông; hướng dẫn các địa phương khắc phục đường giao thông nông thôn.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập Đỏ tỉnh, Tỉnh đoàn có kế hoạch cứu trợ, giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do mưa bão, sớm ổn định cuộc sống.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương quan tâm hỗ trợ khẩn cấp cho Bình Định 2.000 tấn gạo để cứu trợ nhân dân bị ảnh hưởng bão lũ và 100 tỷ đồng để khôi phục cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ 50 cơ số thuốc phòng chống lụt bão, 200.000 viên Cloramin B, 200.000 viên khử khuẩn Aquatabs và các vật tư y tế để giúp nhân dân phòng chống dịch bệnh...

Tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Vũ Xuân Thành đánh giá cao tính chủ động trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 5 của tỉnh Bình Định, đồng thời chia sẻ với những khó khăn mà Bình Định phải trải qua do ảnh hưởng của thiên tai.

Ông Thành nhấn mạnh đây là địa phương nằm trong vùng thường xuyên phải gánh chịu những hậu quả trực tiếp từ thiên tai như bão, lũ, hạn hán nên cần có sự ưu tiên tập trung nguồn vốn để đảm bảo cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Bình Định để trình lên cấp trên có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Phó Tổng cục trưởng yêu cầu tỉnh chỉ đạo các đơn vị, các cấp chính quyền địa phương, các lực lượng và người dân tiếp tục tập trung ứng phó với bão số 6, không được chủ quan; đặc biệt, chủ động các phương án di dời dân, gia súc, gia cầm ra khỏi vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở đất đến vùng khô ráo, đảm bảo an toàn cho người và tài sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục