Người dân Hà Nội nô nức mùa Vu Lan

Hà Nội mùa Vu Lan rộn ràng đồ mã, người dân kéo đến các chùa đông nghịt. Khách đến lễ chùa thường cầm trên tay hoặc một bông hồng trắng, hoặc hoa hồng màu đỏ.
Rằm tháng bảy âm lịch, ngày xá tội vong nhân là một trong hai ngày rằm quan trọng trong năm của người Việt. Ngay từ đầu tháng, những người bán hàng mã đã thong dong gánh hàng đến từng ngõ ngách ở Hà Nội. Chiều 15/7 âm lịch, người dân nô nức dâng hương ở các ngôi chùa trong thành phố.

Vàng mã ngập phố phường

Chợ vàng mã với đủ các loại hàng từ hàng tiêu dùng đến phương tiện giải trí cho “người cõi âm” được bày la liệt ở phố Hàng Mã, chợ Đồng Xuân.

Bán chạy nhất trong dịp này là tiền vàng và quần áo. Đặc biệt, vàng mã loại mới có kích thước bằng tiền polymer thật với mệnh giá tương ứng. Họa tiết trên cả hai mặt bắt chước mẫu tiền polymer nhưng chất liệu giấy cũng giống các loại tiền vàng mã thông thường khác, có thể đốt dễ dàng. Trên mặt sau của tờ tiền có in hình một ông quan màu đỏ. Cả hai mặt đều ghi rõ chữ "Ngân hàng địa phủ". Loại vàng mã này đã bị đội quản lý thị trường tịch thu.

Còn quần áo cứ như thể biểu diễn thời trang với đủ chủng loại. Bộ quần áo cụ ông, cụ bà có đầy đủ ô, nón, giầy dép, khăn xếp, đồng hồ, hộp đựng đồ trang sức... Áo dành cho cô cậu diêm dúa, quần áo quan thần linh đủ cả mũ mão cân đai, nón, ô...

Một số cửa hàng còn bày bán Âu phục dành cho nam, nữ, thậm chí nếu khách có nhu cầu cửa hàng còn phục vụ cả bộ quân phục với đầy đủ quân hàm, huân huy chương... bằng giấy.

Đến giờ này chưa ai có thể thống kê được sự tốn kém từ khoản đốt vàng mã nhưng cứ đến rằm tháng 7 âm lịch, Hà Nội lại rộn ràng đồ mã. Mùa Vu Lan thành mùa đốt mã từ lúc nào không hay...

Chùa chiền tấp nập

Đến chính rằm 14/7, trong khuôn viên các chùa lớn tại Hà Nội như chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá, chùa Phúc Khánh, chùa Bồ Đề… người đi lễ đông nghịt. Người dân Hà Nội có thói quen đón lễ Vu Lan theo cách truyền thống là họp mặt gia đình và lên chùa.

Ngay từ sớm các chùa đã thỉnh chuông, mở cửa đón thiện nam, tín nữ. Khách đến lễ chùa cả ngày ai cũng cầm trên tay hoặc một bông hồng trắng, hoặc hoa hồng màu đỏ.

Theo tập tục, ý nghĩa hồng trắng là người có mẹ đã khuất, hồng đỏ cho người còn mẹ, hoa hồng tượng trưng cho tình yêu, đức hiếu thuận của con cái hướng đến đấng sinh thành.

Điều đặc biệt là các bạn trẻ đi cầu khấn khá nhiều ở lễ Vu Lan năm nay. Mỗi người một điều ước, một thỉnh cầu, tuy nhiên, ai cũng mong muốn cha mẹ mình được mạnh khỏe và bình an.

Đây đó, tiếng văn tế thập loại chúng sinh văng vẳng trong chùa càng khiến lòng người bồi hồi tưởng nhớ đến những người đã khuất.

Quá 12 giờ, các ngôi chùa đã vợi bớt người, chỉ còn khe khẽ tiếng mõ "cóc, cóc" cùng mùi trầm lan thoang thoảng./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục