Người dân Israel lên cơn sốt tin đồn về tiên cá

Nàng tiên cá đang gây sốt tại Israel sau khi nhiều người dân ở một làng chài tuyên bố họ đã bắt gặp sinh vật bí ẩn này ngoài bờ biển
Nàng tiên cá, một sinh vật dường như chỉ xuất hiện trong các câu chuyện cổ tích, đang gây sốt tại Israel sau khi nhiều người dân ở một làng chài tại đây tuyên bố họ đã bắt gặp sinh vật bí ẩn này ngoài bờ biển.

Sinh vật bí ẩn...

Người dân ở thị trấn ven biển Kiryat Yam, nằm gần vùng Haifa của Israel, là nơi đầu tiên tung ra tin đồn về nàng tiên cá. “Nhiều người dân kể với chúng tôi rằng dường như họ đã gặp một nàng tiên cá” - phát ngôn viên của Hội đồng thị trấn, ông Natti Zilberman, nói với trang tin Sky News.

Báo chí địa phương cho biết sinh vật biển bí ẩn này chỉ xuất hiện khi mặt trời đã lặn. “Người ta nói đó là một sinh vật nửa người, nửa cá, nhảy nhót trên mặt nước như cá heo. Nó biểu diễn đủ trò trước khi biến mất” - Zilberman kể. Ông cũng khẳng định rằng tất cả những người từng nhìn thấy “nàng tiên cá” trong thị trấn đều nói sinh vật đó “có hình dáng nữ giới, trông như một cô gái trẻ”.

Shlomo Cohen, một trong những người đầu tiên nhìn thấy “nàng tiên cá”, nói với tờ New Scientist: “Tôi đang đi chơi cùng bạn bè thì đột nhiên nhìn thấy một cô gái bí ẩn, nằm trên cát theo cách thức hết sức kỳ lạ. Đầu tiên, tôi nghĩ cô ấy là một người bình thường đi tắm biển. Nhưng khi chúng tôi tới gần, cô ấy nhảy xuống nước và biến mất. Tất cả chúng tôi đều bị sốc vì thấy cô ấy có một cái đuôi”. Cohen nói rằng sự việc này diễn ra cách đây vài tháng.

Sau khi tin tức về nhân vật bí ẩn nói trên được tung ra, nhiều người đã đổ tới Kiryat Yam, máy ảnh, máy quay phim lăm lăm trong tay, hy vọng sẽ chộp được hình nàng tiên cá. Để chứng tỏ sự nghiêm túc, Hội đồng thị trấn đã treo giải thưởng trị giá 1 triệu USD cho ai có bằng chứng về sự tồn tại của nàng tiên cá trong vùng biển.

... Hay chiêu kích cầu du lịch?

Theo New Scientist, việc nhận dạng một sinh vật trong nước thường dễ mang tới sai lầm do mắt người chỉ thấy một phần nhỏ của sinh vật. Thêm vào đó là vấn đề ánh sáng yếu khi mặt trời đã lặn và khoảng cách lớn giữa nhân chứng với “nàng tiên cá”.

Từ lâu nay, nàng tiên cá thường là câu chuyện gây mê hoặc giới đi biển. Đã có rất nhiều tuyên bố về việc gặp gỡ những nàng tiên cá được đưa ra. Phần lớn trong số đó tới nay đã được xác nhận là chuyện hoang đường. Đơn cử như các câu chuyện về những phụ nữ trẻ, đẹp như tranh vẽ, kết hôn với giới thủy thủ để rồi sau đó “hiện hình” là tiên cá như trong bộ phim Splash nổi tiếng của Mỹ.

Tuyên bố về việc phát hiện nàng tiên cá đã xuất hiện cách nay nhiều thế kỷ. Nhưng các tuyên bố này thường không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Hồi thế kỷ 17, thuyền trưởng người Anh Richard Whitbourne nói rằng ông ta thấy một nàng tiên cá khi đi ngang qua cảng St. James ở Newfoundland, hiện thuộc Canada.

Một câu chuyện khác xuất hiện tại Scotland vào năm 1830, kể rằng một cậu bé đã ném đá vào tiên cá, giết chết sinh vật này. Tiên cá bị giết trông như một đứa trẻ khoảng 3-4 tuổi nhưng có đuôi cá hồi thay vì đôi chân người. Dân làng sau đó đã chôn đứa trẻ tiên cá trong một quan tài nhỏ.

Trong nỗ lực thỏa mãn sự hiếu kỳ của công chúng, nhiều người đã tìm cách tạo ra các nàng tiên cá. Những năm 1840, ông bầu show người Mỹ nổi tiếng P.T. Barnum đã giới thiệu với công chúng “nàng tiên cá FeeJee”.

Thực tế ông này đã chặt đầu một con cá lớn rồi ghép nó với phần thân của một con khỉ nhỏ. Sinh vật này trông rất kỳ quái, rõ ràng là chưa ai thấy nó bao giờ. Nhưng trong băngrôn quảng cáo, Barnum nói rằng ông ta đang có trong tay một nàng tiên cá bán khỏa thân, hết sức xinh đẹp. Những trò giả tiên cá khác còn bao gồm việc hóa trang xác hải cẩu để chúng mang dáng dấp con người. Mục đích cuối cùng cũng chỉ là đem tiền về cho các ông bầu.

Liên quan tới tuyên bố về nàng tiên cá của Israel, chưa biết đây là thực hay tin đồn, chỉ rõ một điều rằng chính quyền thị trấn sẽ được hưởng lợi lớn. Mặc dù Ủy ban thị trấn Kiryat Yam bác bỏ việc treo giải là một trò giật gân, nhưng có thể thấy họ đang bắt chước chính quyền thành phố Inverness, Scotland (nơi nằm ngay bên cạnh hồ Loch Ness nổi tiếng và đã treo giải cho ai chứng minh được sự tồn tại của một con thủy quái dưới đáy hồ).

Khi được hỏi liệu chính quyền thị trấn Kiryat Yam có tiền để trả cho những người tìm được bằng chứng về nàng tiên cá, Zilberman trả lời: “Tôi tin rằng nếu thực sự có nàng tiên cá, sẽ có rất nhiều người và khách du lịch đổ tới Kiryat Yam. Khi đó sẽ có rất nhiều tiền được thu về so với con số 1 triệu USD tiền thưởng”.

Lẽ dĩ nhiên, nếu nàng tiên cá không tồn tại hoặc giả là tin đồn, ảo giác hoặc sự nhầm lẫn với sinh vật khác, số tiền thưởng sẽ nằm nguyên vẹn tại két sắt. Trong khi đó, nền kinh tế của thị trấn vẫn hưởng lợi từ việc hàng loạt khách du lịch kéo tới đây săn ảnh nàng tiên cá, vừa để thỏa mãn lòng hiếu kỳ, vừa mong có được khoản tiền thưởng lớn./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục