Người dân khắp đất nước Thái Lan chính thức đón Tết Songkran

Người dân Thái Lan đã chính thức bắt đầu đón Tết Songkran ​- Năm mới truyền thống từ ngày 13/4 với các hoạt động văn hóa truyền thống cũng như vui chơi, giải trí với nhiều màu sắc.
Người dân khắp đất nước Thái Lan chính thức đón Tết Songkran ảnh 1Người dân Thái Lan đón Tết Songkran. (Ảnh: Sơn Nam/Vietnam+)

Người dân trên khắp đất nước Thái Lan đã chính thức bắt đầu đón Tết Songkran ​- Năm mới truyền thống từ ngày 13/4 với các hoạt động văn hóa truyền thống cũng như vui chơi, giải trí với nhiều màu sắc.

Phật giáo là quốc giáo của Thái Lan, nên năm mới của đất nước này bắt đầu vào ngày sinh của Đức Phật, tức là ngày 15/4. Từ năm 1941, Hoàng gia Thái quy định Tết Songkran bắt đầu vào ngày 13/4 và kết thúc vào ngày 15/4 Dương lịch hàng năm. ​

Từ sáng sớm, ngày 13/4 - Wan Nao - có ý nghĩa như ngày 30 Tết ở Việt Nam, người dân Thái dậy sớm, ăn mặc đẹp, chuẩn bị thức ăn để cúng dường cho các nhà sư ở chùa.

Trong ngày tết, người Thái Lan không nói những điều xui xẻo, không làm hành động sai hay có ác tâm. Nghi thức quan trọng nhất của Songkran là lễ tắm Phật để tỏ lòng thành kính và cầu may mắn. Sau khi hoàn thành nghi thức này, lễ hội té nước sẽ được bắt đầu.

Ngày chính của lễ Songkran được gọi là Wan Payawan - ngày 14/4 tuy nhiên, giới trẻ thường đã bắt đầu việc té nước từ ngày 13/4.  Ngày cuối cùng của Tết Songkran được gọi là Wan Parg-bpee - ngày 15/4.

Trong ngày này, người Thái sẽ đi đến nhà họ hàng lớn tuổi và thực hiện nghi thức “Rod Nam Dam Hua” - nhẹ nhàng rưới nước thơm lên tay những người lớn tuổi để bày tỏ tình yêu thương và lòng tôn kính.

Năm nay không khí có vẻ trầm lắng hơn do Chính phủ Thái Lan đã ban hành quy định hạn chế việc dùng xe bán tải chở thùng đựng nước và nhiều người đi té nước để hạn chế tai nạn giao thông, không bật nhạc ầm ĩ và ăn mặc không kín đáo vì Thái Lan hiện vẫn trong giai đoạn để tang Nhà vua Abdhulaydej quá cố.

Từ sáng 13/4, tại thủ đô Bangkok và các thành phố lớn trên khắp Thái Lan, những lễ hội té nước nhiều màu sắc đã được tổ chức. Năm nay, nhà chức trách đã ban hành lệnh cấm uống rượu, đồ uống có cồn và bật nhạc to đồng thời kêu gọi giới trẻ quay về với các truyền thống văn hóa dân tộc.

Ở Bangkok, tại quảng trường thành phố, người dân đã tụ tập để làm lễ cúng dường cho 191 nhà sư trong khi các tụ điểm nổi tiếng như Silom, Khao San và Central World đều chật kín khách du lịch đến tham gia lễ hội té nước sôi động. Khoảng 50 tụ điểm “Songkran An toàn” đã được quy hoạch khắp thủ đô để đón người dân và khách du lịch đến vui chơi. Ở các tỉnh và thành phố khác, những hoạt động tương tự cũng được tổ chức.

Người dân khắp đất nước Thái Lan chính thức đón Tết Songkran ảnh 2(Ảnh: Sơn Nam/Vietnam+)

Trong bài phát biểu nhân dịp Tết Songkran, Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã kêu gọi người dân quay về với các giá trị truyền thống và bảo vệ các nền tảng của quốc gia là dân tộc, tôn giáo và hoàng gia.

Ông cũng cam kết sẽ nỗ lực hết sức đển đảm bảo hòa bình và trật tự trên khắp đất nước. Ông kêu gọi người dân giữ gìn trật tự và tránh xảy ra tai nạn giao thông trong dịp Năm mới truyền thống.

Tết Songkran là thời gian được cho là đem lại nhiều doanh thu cho ngành du lịch Thái Lan với lượt khách du lịch đến nước này có lúc tăng đến 30%. Đây cũng là thời gian xảy ra nhiều tai nạn giao thông ở Thái Lan.

Theo Cơ quan Phòng chống và giảm nhẹ thảm họa Thái Lan, trong hai ngày 12 và 13/4 đã có ít nhất 82 người thiệt mạng, 630 người bị thương vì tai nạn giao thông trên toàn quốc. Năm ngoái số người thiệt mạng là 64 người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục