Người dân khó áp dụng thông tin khoa học-công nghệ vào thực tiễn

Hiện nay, nhiều thông tin khoa học công nghệ thiết thực phục vụ nhân dân, tuy có giá trị cao về khoa học nhưng lại khó có khả năng áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Người dân khó áp dụng thông tin khoa học-công nghệ vào thực tiễn ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 28/7, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Thông tin và Công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội nghị "Lãnh đạo các tổ chức thông tin, thống kê khoa học và công nghệ địa phương."

Đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cùng hơn 150 đại biểu là lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm thông tin Khoa học và Công nghệ trên cả nước tham dự hội nghị.

Định hướng công tác thông tin và thống kê khoa học và công nghệ đến năm 2020, ông Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia nhấn mạnh, thời gian tới, Cục tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thông tin, thống kê khoa học và công nghệ; kiện toàn mạng lưới tổ chức thông tin khoa học và công nghệ; xây dựng và pháp triển cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ đồng thời đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thông tin khoa học và công nghệ; xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ.

Để đẩy mạnh hoạt động thông tin, thống kê khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia đề xuất, về công tác thông tin khoa học và công nghệ cần có chương trình phát triển, nâng cao năng lực thông tin khoa học và công nghệ cho đội ngũ cán bộ các tỉnh, thành phố trên cả nước; xây dựng các cơ sở dữ liệu về thông tin khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương...

Về công tác thống kê khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có kế hoạch định hướng cho các địa phương về các chỉ tiêu thống kê khoa học và công nghệ cơ bản cần phải có để đánh giá các hoạt động thông tin khoa học và công nghệ; thống nhất biểu mẫu điều tra thống kê để tiết kiệm thời gian, chi phí, sử dụng nhiều thông tin ở các cơ quan khác nhau, đặc biệt là thống nhất thông tin điều tra, tiếp tục hoàn chỉnh phần mềm thống kê do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia phổ biến...

Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ nói chung, hoạt động thông tin, thống kê khoa học và công nghệ nói riêng là động lực, nền tảng để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Khoa học và công nghệ đang có những bước phát triển nhanh chóng và ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp của xã hội thì thông tin, thống kê khoa học và công nghệ là nguồn lực không thể thiếu trong xã hội thông tin.

Đây chính là cơ sở của các phương pháp mới, sản phẩm mới để tạo ra lợi nhuận, góp phần rút ngắn quá trình từ nghiên cứu đến sản xuất, thúc đẩy việc phổ biến và sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh…, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, công tác thông tin, thống kê khoa học và công nghệ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ), các ấn phẩm thông tin tuyên truyền về khoa học và công nghệ còn thiếu những nội dung, bài viết tổng hợp mang tính chuyên sâu để phục vụ lãnh đạo, quản lý nhà nước và cộng đồng khoa học của địa phương.

Việc xuất bản và cung cấp các xuất bản phẩm thông tin khoa học và công nghệ chưa đồng đều giữa các địa phương. Nhiều thông tin khoa học công nghệ thiết thực phục vụ nhân dân, tuy có giá trị cao về khoa học nhưng lại khó có khả năng áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Bên cạnh đó, tổ chức về thông tin và thống kê khoa học và công nghệ vẫn chưa được củng cố và tăng cường một cách đồng bộ, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ thông tin khoa học và công nghệ chuyên trách thường xuyên biến động, chưa thực sự gắn bó với nghề...

Ông Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng việc triển khai thực hiện công tác thông tin, thống kê khoa học và công nghệ thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn là “bài toán” khó đối với hầu hết cơ quan thông tin bởi nguồn kinh phí hàng năm cho hoạt động này quá ít.

Ngân sách phân bổ cho các tỉnh, thành phố không đồng đều, phần lớn ngân sách dùng để mua và xuất bản các ấn phẩm thông tin. Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh dành khoảng 1,2 tỷ đồng/năm, Hà Nội khoảng 900 triệu đồng/năm để mua tư liệu và xuất bản ấn phẩm. Trong khi đó, tỉnh Cao Bằng chỉ dành 25 triệu đồng/năm để mua báo, tạp chí và 329 triệu đồng/năm để xuất bản tạp chí khoa học và công nghệ.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục