Người dân Liên minh Châu Âu hài lòng với chính sách bảo vệ dân sự

Đa số các công dân thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhận định các hoạt động bảo vệ dân sự đã được phối hợp trên toàn lãnh thổ liên minh.
Người dân Liên minh Châu Âu hài lòng với chính sách bảo vệ dân sự ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Đa số các công dân thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhận định các hoạt động bảo vệ dân sự đã được phối hợp trên toàn lãnh thổ liên minh, đồng thời cho rằng các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thảm họa có thể yêu cầu hỗ trợ từ những quốc gia khác.

Phóng viên TTXVN tại Bỉ dẫn kết quả thăm dò thực hiện trong khuôn khổ Diễn đàn bảo vệ dân sự EU, diễn ra ngày 6-7/5 ở Brussels, cho biết có đến 88% người dân EU ủng hộ chính sách bảo vệ dân sự ở cấp độ liên minh, 87% cho rằng EU phải hỗ trợ bất cứ quốc gia nào trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi thảm họa và 90% người dân kỳ vọng các quốc gia EU sẽ tới hỗ trợ nước họ trong trường hợp ở đó bị thảm họa.

Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên châu Âu phụ trách hỗ trợ nhân đạo và quản lý khủng hoảng Christos Stylianides nêu rõ người dân đều nhất trí trong trường hợp đối phó với thảm họa, sự can thiệp được phối hợp ở cấp độ EU hiệu quả hơn nhiều so với hành động riêng lẻ của từng quốc gia. Mục đích của việc bảo vệ dân sự là hỗ trợ và bảo vệ công dân khỏi thảm họa. Do đó, EU quyết tâm tiếp tục phối hợp cùng nhau để cải thiện việc phòng chống thảm họa.

Trong số những người được hỏi, 37% cho rằng nước họ có đủ các phương tiện để đối phó với thảm họa mức độ lớn. Trong khi đó, 80% cho rằng hành động do EU phối hợp sẽ hiệu quả hơn các biện pháp chỉ do một mình mỗi quốc gia thực hiện. Hơn 3/4 người dân EU (77%) lo ngại hậu quả kinh tế do thảm họa gây ra bắt nguồn từ thiên nhiên hoặc từ con người trong khu vực.

Cơ chế bảo vệ dân sự EU tạo điều kiện cho sự hợp tác về phòng chống thảm họa, cũng như chuẩn bị và phản ứng giữa 32 quốc gia châu Âu, gồm 28 nước thành viên EU cùng Macedonia, Iceland, Na Uy và Montenegro. Các quốc gia tham gia cơ chế này cùng triển khai một nguồn vốn chung, với sự hỗ trợ của Ủy ban châu Âu (EC), để có thể giải ngân giúp đỡ các quốc gia bị thảm họa trên thế giới.

Theo ước tính của Ủy ban châu Âu, trong 10 năm qua, thảm họa đã khiến EU thiệt hại trung bình mỗi năm khoảng 15 tỷ euro liên quan đến tăng trưởng kinh tế và việc làm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục