“Người đàn ông tốt” Biden sẽ hàn gắn rạn nứt của hai bờ Đại Tây Dương?

Nếu “người đàn ông tốt” Joe Biden không thể đáp ứng giá trị kỳ vọng của châu Âu và NATO, thì e rằng khoảng cách giữa hai bờ Đại Tây Dương sẽ rất khó hàn gắn.
“Người đàn ông tốt” Biden sẽ hàn gắn rạn nứt của hai bờ Đại Tây Dương? ảnh 1Ông Joe Biden phát biểu ở Wilmington sau khi cuộc bỏ phiếu của đại cử tri xác nhận ông giành chiến thắng. (Nguồn: Getty)

Theo Liên hợp buổi sáng, có một hiện tượng hết sức thú vị là khi truyền thông chủ lưu của Mỹ công bố ông Joe Biden thắng cử tổng thống, thì từ Thủ tướng Canada Justin Trudeau đến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Đức Angela Merkel bên kia bờ Đại Tây Dương đều nhanh chóng gửi lời chúc mừng đến Biden.

Mặc dù kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chưa được công bố chính thức, mới chỉ là công bố của giới truyền thông, nhưng nó lại được các chính trị gia khác theo phe bảo thủ ở phương Tây thừa nhận.

Điều này quả thực không công bằng đối với ông Donald Trump, nhưng đây có lẽ là “luật nhân quả.”

Mặc dù kết quả ông Biden đắc cử đã được xác định, nhưng những thứ ông Trump để lại cho ông Biden đều là “di sản xấu xí,” trong đó chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, hàn gắn rạn nứt hai bờ Đại Tây Dương cũng là vấn đề cấp bách, và vấn đề điều chỉnh quan hệ Trung-Mỹ cũng cần ưu tiên trong chương trình nghị sự.

Nhìn từ góc độ lập trường của ông Biden, xây dựng lại đồng minh Đại Tây Dương là vấn đề hết sức quan trọng, vì cho dù phòng chống dịch bệnh hay đọ sức với Trung Quốc, thì ông Biden đều phải phối hợp cùng hành động với đồng minh.

[Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và những tác động xuyên lục địa]

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng phát đi tín hiệu rằng “họ đã chịu đựng Tổng thống Trump trong một thời gian dài,” nên họ coi ông Biden là “cứu cánh” cho việc khôi phục quan hệ Mỹ-châu Âu, giống như tờ The New York Times bình luận: “Thế giới dường như thoát đi gánh nặng sau khi ông Biden đắc cử.”

Trong bài phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đồng minh. Rõ ràng, phe bảo thủ ở châu Âu và Mỹ đều coi ông Biden là chất kết dính để hàn gắn rạn nứt Đại Tây Dương.

Tổng thống đắc cử Biden hiểu rõ ràng tính chất phá hoại trong 4 năm cầm quyền của ông Trump không những gây nên sự chia rẽ nghiêm trọng trong xã hội nước Mỹ, mà chính sách “nước Mỹ trước tiên” cũng đã trở thành một trò đùa cợt viễn vông, làm cho quan hệ Đại Tây Dương rơi vào tình cảnh khốn khó.

Hiện còn quá sớm để nói rằng ông Biden sẽ phát huy vai trò chất kết dính. Ông Trump vẫn chưa thừa nhận thất bại, hơn nữa “thời gian còn lại” của ông ở Nhà Trắng cũng đầy rẫy bất trắc.

Ông Trump đã cách chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mark Esper. Không chừng, ông Trump sẽ gây ảnh hưởng tới việc “chọn bên” của các nhà lãnh đạo châu Âu.

Ông Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu chưa chắc thật sự hiểu rõ bản chất quan hệ Đại Tây Dương. Quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đã thay đổi kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Khối hiệp ước quân sự Vacsava đã giải thể, vậy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) còn chờ đợi điều gì?

Các nước châu Âu có phần “kiêng kỵ” đối đầu với Nga và không muốn tiếp tục xảy ra một cuộc đại chiến thế giới ở châu Âu sau hai cuộc chiến tranh thế giới.

Trong hai cuộc chiến chống khủng bố được khởi xướng dưới thời Bush (con), các nước châu Âu cũng đã phân thành hai phe cũ và mới. Quả thực, Mỹ không có ý định tham giam gia vào cuộc chiến ở Syria và cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) mà châu Âu quan tâm, ngược lại muốn để cho châu Âu đi đầu.

Lập trường tiêu cực của chính quyền Obama về cuộc nội chiến ở Syria từng bị các nước châu Âu chỉ trích, tiếp đó, chiến lược rút khỏi Trung Đông càng làm cho đồng minh châu Âu, Israel và Trung Đông phàn nàn.

Chính sách “nước Mỹ trước tiên” dưới thời Tổng thống Trump là sự tiếp tục thu hẹp chiến lược dưới thời ông Obama, chỉ có điều cách thể hiện của ông Trump quá “thô lỗ” và trực tiếp. Chính sách “nước Mỹ trước tiên” không những đã trở thành sự ích kỷ và bảo thủ của nước Mỹ, mà đồng thời còn trở thành công cụ đòi hỏi và bắt chẹt đồng minh về thương mại và đảm bảo an ninh.

NATO đã biến thành công cụ để Mỹ bắt chẹt phí “bảo kê” đối với đồng minh châu Âu.

Trong nhiệm kỳ của ông Trump, sức mạnh cứng và sức mạnh mềm của Mỹ đã mất đi đáng kể, năng lực bố trí chiến lược toàn cầu của Mỹ càng tỏ ra yếu kém.

Mặc dù ông Biden quyết tâm khôi phục lòng tin của thế giới phương Tây đối với Mỹ, hàn gắn rạn nứt giữa hai bờ Đại Tây Dương dưới thời kỳ của mình, nhưng từ suy nghĩ tới thực tế không phải là đoạn đường dễ dàng. Suy cho cùng, quan hệ Mỹ-châu Âu không chỉ là cộng đồng văn minh và chung ý thức hệ, mà còn là cộng đồng chung lợi ích. 

Chẳng hạn, NATO cần phải đầu tư nguồn lực lớn, và việc Trump yêu cầu đồng minh NATO gia tăng chi tiêu quân sự không phải là vô lý. Dưới thời Biden, Mỹ chi tiền, xuất binh, cung cấp vũ để giúp các thành viên NATO núp dưới chiếc ô bảo vệ, quan hệ Mỹ-châu Âu hiển nhiên sẽ hài hòa.

Tuy nhiên, nếu Biden không thể "đo lường sức mạnh vật chất của Mỹ và lợi ích của đất nước," thì quan hệ hai bờ Đại Tây Dương sẽ vẫn bị rạn nứt.

Sự lạnh nhạt của mối quan hệ Mỹ-châu Âu mấu chốt nằm ở cái gọi là sức mạnh chiến lược không đủ của Mỹ, chứ không phải tính cách của tổng thống Mỹ.

Nếu như “người đàn ông tốt” Biden, theo cách gọi của cựu tổng thống Bush (con), không đáp ứng được yêu cầu của châu Âu và đồng minh NATO, thì mọi chuyện sẽ trở thành “hy vọng càng lớn, thất vọng càng nhiều.”

Suy cho cùng, trong quan hệ quốc tế, lợi ích luôn được đặt lên hàng đầu. Chính sách “nước Mỹ trước tiên” đã làm tổn hại lợi ích của châu Âu, khiến cho các nhà lãnh đạo châu Âu và Trump trở thành kẻ thù.

Nếu “người đàn ông tốt” Joe Biden không thể đáp ứng giá trị kỳ vọng của châu Âu và NATO, thì e rằng khoảng cách giữa hai bờ Đại Tây Dương sẽ rất khó hàn gắn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục