Người dân Pháp muốn chấm dứt đình công, biểu tình

Đa số người dân Pháp không còn mặn mà với việc biểu tình nữa vì họ thấy rằng chính họ đang trở thành nạn nhân của hoạt động này.
Phong trào đình công, biểu tình phản đối kế hoạch cải cách hưu trí của Chính phủ Pháp đã lắng xuống trong hai ngày nghỉ cuối tuần.

Song giới công đoàn nước này dường như không hề yếu đi sau khi đưa ra tuyên bố kêu gọi người lao động tiếp tục tham gia "Hai ngày hành động toàn quốc" vào ngày 28/10 và 6/11 tới nhằm gây sức ép với chính phủ xung quanh kế hoạch gây tranh cãi nói trên.

Những cuộc đình công, biểu tình kéo dài trong suốt tuần qua đã tác động không nhỏ đến nhiều ngành kinh tế của đất nước.

Đặc biệt việc một số nhà máy lọc dầu bị người biểu tình phong tỏa trong nhiều ngày qua đã gây thiếu xăng dầu nghiêm trọng. Nhiều kho và trạm cung cấp xăng dầu bị cạn kiệt do thiếu nguồn cung.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Jean Louis Borloo cho biết do việc phong tỏa các nhà máy lọc dầu vẫn chưa chấm dứt, các trạm cung ứng dầu của 7 trên 100 tỉnh của nước Pháp đã thông báo hết xăng vào trưa ngày 23/10.

Trước đó, ngày 22/10, Liên đoàn quốc gia các công trình công cộng Pháp cũng bị thiếu nhựa đường, dẫn đến tình trạng "thất nghiệp kỹ thuật", ảnh hưởng đến khoảng 150.000 trên tổng số 280.000 người làm công ăn lương trong lĩnh vực này, chưa kể đến những mất mát về tài chính. Ngành công nghiệp hóa chất cũng bị thiệt hại khoảng 50 triệu euro mỗi ngày.

Theo các nhà quan sát, đa số người dân Pháp không còn mặn mà với việc đình công, biểu tình nữa vì thấy rằng chính họ đang trở thành nạn nhân của những hoạt động này.

Kết quả cuộc điều tra dư luận xã hội mới nhất, vừa công bố trên tờ Le Figaro, cho thấy 56% người dân Pháp, cho rằng biểu tình như vậy là đủ và muốn ngừng ngay phong trào này.

Tuy nhiên, vẫn còn 43% số người được hỏi cho rằng cần tiếp tục các cuộc đình công cho đến khi dự luật cải cách hưu trí được rút lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục