Người dân vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ kêu cứu

Hơn hai tháng qua, hơn 100 hộ dân của 7 xã vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ và dọc hai bên bờ sông Nậm Nơn phải sống trong ô nhiễm.
Giữa cái nắng gay gắt trên 40 độ C, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, nếu ai đó vô tình hoặc sơ ý bước chân vào vũng nước của vùng lòng hồ thì ngay đêm ấy hoặc ngày hôm sau sẽ bị ngứa ngáy, lở loét.

Đó là tình trạng mà hơn 2 tháng qua, hơn 100 hộ dân của 7 xã trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ và dọc hai bên bờ sông Nậm Nơn (Nghệ An) phải chịu đựng khi sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường mỗi khi Nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả nước.

Ông Lương Khăm Niên, người dân xã Hữu Khuông bức xúc nói: “Từ giữa tháng 5/2010 lại nay, khi nhà máy bắt đầu hòa vào điện lưới quốc gia, tổ máy số 1 đạt công suất 100MW, niềm vui chưa thấy đâu mà người dân trong vùng lòng hồ như các xã Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Khuông, Hữu Dương, Nhôn Mai... chúng tôi không thể sử dụng được nguồn nước mà bấy lâu chúng tôi vẫn dùng.

Giữa thời tiết nắng nóng như thế này mà cả dân bản đều phải đi gánh nước trong khe, suối cách xa 7-8 cây số để về ăn uống, sinh hoạt rất dè dặt. Bình thường, nước trong vùng lòng hồ xanh lắm, thế nhưng khi nhà máy xả lũ thì nước lại đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc."

Chị Lương Thị Vân ở xã Xá Lượng nằm dọc ven bờ sông Nậm Nơn, nơi có nguồn nước từ vùng lòng hồ chảy qua cho biết: “Cứ 2-3 ngày thì công trình tiến hành xả lũ. Khi xả lần đầu thì tôm, cá nhảy hết lên bờ, nhưng nay thì không có con tôm hay con cá nào nhảy nữa vì chúng chết hết rồi. Hoa màu cùng chết rũ cả. Trong những ngày xả lũ thì người dân các xã Xá Lượng, Lượng Minh và cả thị trấn Hòa Bình không thể nào ăn, ngủ được vì mùi hôi thối bao trùm.”

Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên là do Ban Quản lý dự án Thủy điện II không làm sạch vệ sinh môi trường ở trong lòng hồ để tiến hành tích nước. Họ thuê Công ty Lâm nghiệp Tương Dương phát dọn chuồng trại, cây cối... được 1km tính từ đập lên, thế nhưng trên thực tế vùng lòng hồ dài đến 70km. Mặt khác, do bà con chưa có ý thức trong dọn dẹp chuồng trại chăn nuôi, tập quán đi tiêu, đi tiểu còn bừa bãi.

Ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch huyện Tương Dương khẳng định: “Việc xả nước vào tuabin (tổ máy số 1) là việc tất yếu. Tuy nhiên, phải mất vài năm, qua nhiều trận lũ thì may ra mới cuốn trôi hết những tạp chất từ chuồng trại chăn nuôi, hố tiêu, hố tiểu, cây cối... của người dân thải ra.

Thực chất, việc xử lý môi trường ở đây rất khó, hiện nhà đầu tư là Ban Quản lý dự án thủy điện II cũng chưa nghĩ ra giải pháp hữu hiệu nào để xử lý tình trạng này. Trước mắt, khi nào có lịch xả nước, nhà đầu tư cần thông báo cho dân biết. Một mặt, phối hợp với bà con dân bản, các lực lượng tình nguyện khác phát dọn vệ sinh môi trường.”

Vậy là trong lúc chờ mưa lũ, hơn 100 hộ dân trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ hàng ngày vẫn phải sống với môi trường ô nhiễm.

Công trình thủy điện Bản Vẽ thuộc diện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung với công suất 320MW, tổng mức đầu tư 6.740 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2004.

Đây là công trình thủy điện đa mục tiêu. Nhiệm vụ chính là phát điện hòa lưới điện quốc gia, đồng thời cung cấp một phần điện cho nước bạn Lào. Ngoài ra, thủy điện Bản Vẽ còn cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất, đẩy mặn, chống lũ cho vùng hạ lưu sông Cả./.

Bích Huệ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục