Người đoạt giải Nobel kêu gọi nới lỏng lệnh trừng phạt Triều Tiên

Ngày 7/5, ba nhà khoa học đạt giải Nobel kêu gọi nới lỏng các lệnh trừng phạt vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của Triều Tiên sau khi có chuyến thăm nước này đúng dịp Đại hội Đảng Lao động.
Người đoạt giải Nobel kêu gọi nới lỏng lệnh trừng phạt Triều Tiên ảnh 1Richard Roberts - người từng đạt giải Nobel về y học. (Nguồn: AP)

Ngày 7/5, một nhóm nhà khoa học đạt giải Nobel đã kêu gọi nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của Triều Tiên sau khi có chuyến thăm hiếm hoi đến quốc gia này vào đúng thời điểm Triều Tiên tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ bảy của Đảng Lao động.

Ba nhà khoa học trên đến từ Na Uy, Anh và Israel vừa có chuyến thăm Triều Tiên một tuần theo lời mời của Bình Nhưỡng.

Trả lời báo giới tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, ba nhà khoa học trên bày tỏ hy vọng chuyến thăm tới Triều Tiên sẽ thúc đẩy các cuộc trao đổi khoa học và giáo dục với nước này bất chấp các lệnh trừng phạt.

Sau khi thăm các bệnh viện và phòng nghiên cứu tại Bình Nhưỡng, họ cho biết lệnh cấm vận hàng hóa vào Triều Tiên đã làm giảm chất lượng nghiên cứu và chăm sóc y tế tại đây.

Ông Aaron Ciechanover, người từng đạt giải Nobel Hóa học, nhấn mạnh "penicillin không thể nào bị biến thành bom hạt nhân và gây sức ép thông qua việc khiến người dân ốm yếu hơn không phải là cách làm đúng đắn."

Các cường quốc trên thế giới đã siết chặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành một số vụ bắn tên lửa đạn đạo và thử bom hạt nhân lần thứ tư.

Theo tờ Washington Post mặc dù các lệnh trừng phạt không nhằm vào viện trợ y tế, song các hạn chế nghiêm ngặt của Hàn Quốc đã khiến một số loại thuốc không đến được miền Bắc.

Richard Roberts - người từng đạt giải Nobel về y học, cho biết lệnh trừng phạt đã khiến nhiều dụng cụ y tế mà bác sỹ và các giáo sư ở Triều Tiên mong muốn sử dụng nhưng lại không thể có được.

Ông Roberts khẳng định việc thiếu các thiết bị khoa học hiện đại do các lệnh trừng phạt kéo dài trong nhiều năm và phương pháp lỗi thời đã khiến các nhà khoa học Triều Tiên tụ hậu so với đồng nghiệp nước ngoài.

Mặc dù việc Triều Tiên hạn chế sử dụng Internet đã ngăn các nhà khoa học hợp tác với đồng nghiệp tại nước khác, hoặc tiếp cận với những tài liệu khoa học mới nhất, song ông Roberts cho rằng Bình Nhưỡng đang mong muốn có các cuộc trao đổi với quốc tế nên mới đưa ra lời mời này.

Chuyến đi trên đã được lên kế hoạch cách đây hơn 2 năm sau khi Tổ chức Hòa bình Quốc tế (IPF) có trụ sở tại Vienna của Áo nhận được thư mời của Ủy ban Hòa bình Quốc gia Triều Tiên.

Chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu nhóm trên hoãn chuyến đi do trùng thời điểm với Đại hội của Đảng Lao động Triều Tiên, song Chủ tịch IPF Uwe Morawetz nhấn mạnh những hạn chế về lịch trình khiến điều này là không thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục