Người đưa các điển tích Ai Cập vào múa rối nước Việt Nam

Với tình yêu đặc biệt dành cho văn hóa và con người Việt Nam, nghệ sỹ trẻ May Mohab đã vượt qua nhiều khó khăn và rào cản để biến ước mơ của mình dần trở thành hiện thực.
Người đưa các điển tích Ai Cập vào múa rối nước Việt Nam ảnh 1(Ảnh: Hữu Chiến/Vietnam+)

Với tình yêu đặc biệt dành cho văn hóa và con người Việt Nam, nghệ sỹ trẻ May Mohab (tên tiếng Việt là "Mai") đã vượt qua nhiều khó khăn và rào cản để biến ước mơ của mình dần trở thành hiện thực.

Chị là người đầu tiên và cũng là duy nhất tính đến thời điểm này đưa nghệ thuật múa rối nước tiếp cận công chúng Ai Cập nói riêng và các nước Arab Hồi giáo nói chung.

Là nghệ sỹ trang trí và tạo hình thuộc Nhà hát Múa rối Cairo - cơ sở hàng đầu chuyên nghiên cứu và bảo tồn các loại hình múa rối độc đáo của Ai Cập, song May Mohab lại "bén duyên" với rối nước Việt Nam, bắt đầu từ khi tìm kiếm đề tài cho luận văn thạc sỹ của mình vào năm 2008.

Quyết định có phần "liều lĩnh" này đã đưa chị dấn thân vào một "điệp vụ gần như bất khả thi.".

May Mohab khởi đầu từ một con số "0" tròn trĩnh: không một đầu mối, không một tài liệu về rối nước, gắn với đó là những hiểu biết về nền văn minh lúa nước và văn hóa phương Đông huyền bí, xa lạ.

Tưởng như đề tài bị đổ bể vì thậm chí chị còn không tìm được giáo sư chấp nhận hướng dẫn luận văn cho mình, trong khi mạng Internet chỉ cung cấp những thông tin khá sơ sài bằng tiếng Việt.

Hơn nữa, việc dịch các tài liệu này sang tiếng Anh hoặc tiếng Arab cũng là nỗi "ác mộng" đối với những người còn thiếu nền tảng kiến thức về văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, May Mohab đã không chấp nhận lùi bước và đầu hàng. Chị tìm đến Đại sứ quán Việt Nam đề nghị được giúp đỡ và được giới thiệu tới một đầu mối người Việt gần như duy nhất ở Cairo thông thạo tiếng Arab.

Trần Thanh Lê - lúc đó còn là sinh viên Khoa Ngôn ngữ Arab thuộc Đại học Ains Shams và hiện làm việc tại Đại sứ quán Oman tại Hà Nội - là chìa khóa để nữ nghệ sỹ trẻ bước vào môn nghệ thuật múa rối nước và làm quen với nền văn hóa Việt Nam.

Lê nhờ mẹ ở Hà Nội tìm kiếm các tài liệu về rối nước, rồi nhờ một cán bộ ngoại giao từng công tác nhiều năm tại Trung Đông dịch hộ sang tiếng Arab.

Song tài liệu nghiên cứu chỉ là một phần nhỏ, May Mohab còn muốn đi xa hơn, học hỏi, làm chủ các kỹ thuật chế tác và điều khiển con rối và sử dụng loại hình nghệ thuật này làm chất liệu để thể nghiệm, trình diễn các tích truyện cổ của Ai Cập.

Cũng với sự giúp đỡ của "bà mối" Lê, May Mohab đã móc nối và liên lạc qua thư điện tử trong suốt 4 năm liền với nghệ sỹ Ưu tú Chu Văn Lượng, Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long - người mà chị xem như là người bố thứ hai của mình.

Sự đam mê, tính kiên trì và ham học hỏi của chị cuối cùng cũng thuyết phục được các nghệ sỹ rối nước hàng đầu Việt Nam chấp nhận và tận tình truyền nghề - điều trước đây từng bị cấm đoán và những người phá lệ thậm chí còn bị khép vào tội chết.

Năm 2012, chị được mời tham dự Liên hoan Múa rối quốc tế tại Việt Nam lần thứ 3. Đây là lần đầu tiên chị được đắm mình trong không gian diễn xướng rối nước đích thực, với âm nhạc cổ truyền và những hoạt cảnh gắn bó với cuộc sống thường nhật của người Việt.

Đặc biệt, niềm đam mê của chị đối với rối nước được nhân lên gấp bội khi được nhúng người trong hồ nước và trực tiếp cầm sào tre điều khiển con rối.

Năm 2013, chị có dịp quay lại Hà Nội và được tham dự một khóa đào tạo ngắn về chế tác con rối dưới sự dìu dắt, hướng dẫn nhiệt tình của các nghệ sỹ, nghệ nhân thuộc Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Chị cảm thấy sung sướng và không kém phần tự hào vì đã thực hiện được ước mơ của mình. Trên thực tế, không phải ai cũng may mắn và đạt được thành công như vậy. Một người bạn Pháp của May từng dành 12 năm để tìm hiểu về rối nước song hiện vẫn chưa thể nắm bắt và làm chủ các kỹ thuật và tạo hình con rối.

Sau 7 năm miệt mài nghiên cứu, May Mohab đã bảo vệ xuất sắc luận án thạc sỹ của mình về nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.

Đề tài nghiên cứu này đã được các giáo sư phản biện và các chuyên gia đầu ngành trong giới nghệ thuật Cairo đánh giá cao, vì không chỉ cung cấp những kiến thức, hiểu biết chuyên sâu về rối nước, cùng quan niệm, phong tục tập quán, đời sống tâm linh và tinh thần của người Việt, mà còn mở ra triển vọng sử dụng loại hình nghệ thuật độc đáo và độc nhất vô nhị này để "làm mới," thể hiện các tích truyện nổi tiếng thời Ai Cập cổ đại.

Ngoài hoàn thành đề tài nghiên cứu của mình vào cuối tháng 2 vừa qua, May Mohab còn góp phần thúc đẩy hợp tác và trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Ai Cập nói chung, giữa Nhà hát Múa rối Cairo, Nhà hát Múa rối Trung ương và Nhà hát Múa rối Thăng Long nói riêng.

Tháng 4 năm ngoái, dự án này đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên liên quan đến việc thiết kế, tạo hình, tô màu con rối và chế tạo bộ điều khiển con rối.

Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của nghệ sỹ Ưu tú Vương Tất Lợi và nghệ nhân Duy Bằng thuộc Nhà hát Múa rối nước Trung ương, các nghị sỹ Ai Cập đã chế tạo 25 con rối gồm các linh vật và nhân vật biểu trưng thời Pharaoh với kỹ thuật tạo tác của rối nước Việt Nam.

Toàn bộ các tác phẩm nghệ thuật này đã được trưng bày trong một buổi lễ trang trọng tại Trung tâm Hợp tác Văn hóa quốc tế Ai Cập (ECICC), với sự tham dự của Thứ trưởng Văn hóa Ai Cập, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Cairo, cùng đông đảo công chúng yêu nghệ thuật và giới văn nghệ sỹ Ai Cập.

Dự kiến, giai đoạn hai của dự án sẽ sớm được khởi động trong 1-2 tháng tới. Trong giai đoạn này, nghệ sỹ Ưu tú Hoàng Tuấn và nghệ sỹ Ưu tú Chu Văn Lượng, Giám đốc và Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, cùng nghệ sỹ Thủy Tiên của nhà hát này sẽ được mời sang Ai Cập để hướng dẫn kỹ thuật điều khiển rối nước cho một nhóm nghệ sỹ Ai Cập gồm 12 thành viên, trong khuôn khổ vở diễn "Isis và Osiris" được chuyển thể kịch bản từ truyền thuyết cùng tên.

Giai đoạn thứ ba và là giai đoạn cuối cùng sẽ là phần công diễn tác phẩm rối này trong khung cảnh lễ hội thời Pharaoh.

Tham vọng của May Mohab không dừng lại ở đấy. Mong muốn của chị là đưa những kết quả nghiên cứu của mình vào thực tiễn nhằm giới thiệu nghệ thuật rối nước ra khắp các nước Arab Hồi giáo.

Chị và các cộng sự đã tính tới chuyện xây dựng các vở mới và tổ chức các chuyến lưu diễn tại các địa phương ở Ai Cập, thậm chí tổ chức một nhà hát múa rối nước - nhà hát đầu tiên thuộc thể loại này tại Trung Đông - nhằm phục vụ công chúng trong nước cũng như khách du lịch nước ngoài. Xa hơn nữa là biến Ai Cập thành "bàn đạp" để "xuất khẩu" rối nước sang các nước khác trong khu vực.

Theo chị, rối nước có triển vọng rất lớn tại Ai Cập, đất nước của các Pharaoh và nhiều tích truyện thần thoại, sử thi liên quan đến sông Nile - địa điểm hoàn hảo để tổ chức trình diễn loại hình nghệ thuật này.

Rối nước đã mở đường cho May Mohab tiếp cận một nền văn hóa và nghệ thuật truyền thống Á Đông lạ lẫm song đầy cuốn hút. Bằng niềm đam mê cháy bỏng và bầu nhiệt huyết của mình, chị đã và đang góp tay bắc thêm những nhịp cầu giao lưu văn hóa giữa Việt Nam, Ai Cập và thế giới Arab Hồi giáo.

Mong sao những nỗ lực này sẽ được tiếp sức kịp thời bởi các bộ ngành hữu quan hai nước, để không chỉ rối nước mà cả nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam được đông đảo bạn bè tại Trung Đông biết đến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục