“Người đưa đò thầm lặng” truyền kiến thức trong "cơn bão" COVID-19

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh buộc nhiều nước phải tổ chức học trực tuyến, tấm gương vượt khó của những “người đưa đò thầm lặng” hết lòng vì con trẻ là một nguồn cảm hứng lớn.
“Người đưa đò thầm lặng” truyền kiến thức trong "cơn bão" COVID-19 ảnh 1Với chiếc máy tính xách tay, Fransiskus Xaverius Faim - một giáo viên ở Indonesia đã đến từng nhà học sinh để truyền tải kiến thức cho các em trong "bão" dịch COVID-19. (Nguồn: thejakartapost.com)

Đại dịch COVID-19 kéo dài đã khiến nhiều trường học trên khắp thế giới phải đóng cửa, buộc các giáo viên phải liên tục điều chỉnh và thích ứng với tình hình mới để việc tiếp thu kiến thức của học sinh không bị gián đoạn.

Trong bối cảnh nhiều nước đã lên lịch cho học sinh tựu trường, tấm gương vượt khó của những “người đưa đò thầm lặng” hết lòng vì con trẻ là một nguồn cảm hứng lớn.

Họ nhắc nhở chúng ta rằng giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là một “chiến sỹ” ở tuyến đầu chống dịch. 

Học trực tuyến ở nơi không có Internet

Thách thức mà Fransiskus Xaverius Faima, một giáo viên ở tỉnh Đông Nusa Tenggara của Indonesia, phải đối mặt không phải là mới. Đó là làm sao để giáo viên và học sinh có thể kết nối khi không phải ai cũng có Internet.

Độ phủ sóng Internet ở “đất nước vạn đảo” khá cao, với 66% dân số có truy cập mạng, song chủ yếu ở thành thị.

Khi các trường học phải đóng cửa do dịch COVID-19, học sinh ở các vùng hẻo lánh của tỉnh Đông Nusa Tenggara gần như phải dừng hẳn việc học do không có điều kiện tiếp cận công nghệ. 

Giữa những khó khăn của đại dịch COVID-19, thầy giáo Faimau ở Trường tiểu học Kecil Fatutasu đã không quản ngại di chuyển nhiều giờ mỗi ngày để “gieo chữ” đến từng nhóm học sinh.

[Bộ GD-ĐT chỉ đạo bậc tiểu học tinh giản, tập trung nội dung cốt lõi]

Lớp học đơn sơ với chiếc máy tính xách tay của thầy giáo Faimau là công cụ duy nhất có thể kết nối Internet. Tuy nhiên, lớp vẫn duy trì đều đặn mỗi ngày.

Thầy Faimau chia sẻ: “Trẻ em phải được tiếp tục học tập bởi nếu việc học bị gián đoạn, các em sẽ trở lại vạch xuất phát.”

Các lớp học đặc biệt của thầy giáo người Indonesia có thể không truyền tải đầy đủ lượng kiến thức như phương thức dạy học truyền thống tại trường.

Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn của đại dịch COVID-19, đặc biệt ở những nơi vùng sâu vùng xa, việc duy trì không để hoạt động giảng dạy và học tập bị gián đoạn có thể được coi là đủ. 

Dạy học trên xe tải

Ở thành phố Guanajuato, Mexico, một giáo viên tên Nay gần đây đã nhận được nhiều lời khen ngợi sau khi hình ảnh về lớp học “dã chiến” phía sau thùng xe bán tải màu đỏ của cô lan truyền trên Twitter.

Bức ảnh chụp cô và một em học sinh, cả hai đều đeo khẩu trang, đang chăm chú với bài vở trong một lớp học đặc biệt thời COVID-19. Điểm đáng kể đến hơn nữa ở đây, Nay là một giáo viên tiểu học chuyên dạy trẻ em khuyết tật và tự kỷ.

“Người đưa đò thầm lặng” truyền kiến thức trong "cơn bão" COVID-19 ảnh 2Lớp học đặc biệt trên thùng xe tải. (Nguồn: dailymail.co.uk)

Chỉ hơn 50% dân số Mexico tiếp cận Internet. Nắm rõ việc nhiều học sinh không có điều kiện học trực tuyến hoặc thậm chí không có sách, cô Nay đã cải tạo chiếc xe bán tải của mình thành một lớp học di động và lái hàng giờ đồng hồ mỗi ngày để đến tận nhà học sinh và dạy học.

Câu chuyện của cô giáo Nay không chỉ là nguồn cảm hứng và tạo động lực học tập trong giai đoạn dịch COVID-19 mà còn cho thấy tác động nặng nề của dịch bệnh đối với những học sinh dễ bị tổn thương.

Trong thời điểm khó khăn này, việc làm thế nào để tiếp tục cung cấp kiến thức cho các em luôn là trăn trở của nhiều giáo viên.

Mang lớp học về nhà

Khi những đứa trẻ trong gia đình Najeeba không thể đến lớp do dịch COVID-19, cô gái 19 tuổi đến từ tỉnh Balochistan của Pakistan đã nảy ra ý tưởng mang lớp học về nhà.

Giống như hàng triệu học sinh khác ở Pakistan, Najeeba cũng phải nghỉ học ở nhà do trường đóng cửa nghỉ dịch.

Tuy nhiên, điều khiến cô trăn trở hơn cả là việc học của các em nhỏ trong gia đình bị gián đoạn.

Najeeba chia sẻ: “Tôi muốn mọi đứa trẻ trong gia đình mình được tiếp tục học tập, nhưng các em không thể ra khỏi nhà.”

Chính trăn trở này đã thôi thúc Najeeba tham gia chương trình tình nguyện mang tên “Trường Mera Ghar Mera” (có nghĩa là “Nhà của tôi, Trường học của tôi”).

Đây là sáng kiến được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Sở Giáo dục tỉnh Balochistan đồng bảo trợ nhằm giúp trẻ em duy trì việc học trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Cô gái trẻ Najeeba đã biến một phòng trong nhà của mình thành một lớp học để dạy tiếng Anh, toán học và khoa học.

Cô được tiếp cận miễn phí kho hướng dẫn học tập tại nhà trên các nhóm WhatsApp.

Ngoài các môn học trên, Najeeba cũng dạy các học sinh của mình cách bảo vệ bản thân trước dịch COVID-19 như thường xuyên rửa tay và giữ khoảng cách an toàn./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục