Mega Story

Người đưa triết lý đạo Phật 
đến gần với học sinh, sinh viên

Người đưa triết lý đạo Phật đến gần với học sinh, sinh viên

19/10/2022 14:19

Nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống văn hóa, sớm tiếp xúc với thực hành tín ngưỡng thờ mẫu và nổi tiếng với vai trò nhà nghiên cứu chuyên sâu về tín ngưỡng thờ Mẫu, người đưa đạo Mẫu của Việt Nam ra quốc tế.

307277818_5641408552620095_479442719963290175_n.jpeg

Nổi tiếng với vai trò nhà nghiên cứu chuyên sâu về tín ngưỡng thờ Mẫu, người đưa đạo Mẫu của Việt Nam ra quốc tế, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển khiến nhiều người ngạc nhiên khi trở thành một diễn giả thường xuyên được các nhà trường mời đến để chia sẻ với học sinh, sinh viên về những giá trị cốt lõi của đạo Phật, giúp bồi đắp tâm hồn, đạo đức, lối sống tích cực cho các em. 
Tuy nhiên, với ông, đó lại là sự trở về với nghề mà ông đã được đào tạo bài bản ở Thụy Điển với học vị thạc sỹ văn hóa giáo dục, trở về với những năm tháng là giáo viên đứng trên bục giảng.
Nguyễn Đức Hiển đang là nghiên cứu sinh tiến sỹ Phật học tại Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội. Vì vậy, ông đã có nghiên cứu sâu về sự giao thoa văn hóa và giá trị đặc biệt của đạo Phật trong cuộc sống tâm linh người Việt. 
Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi thú vị với ông về vấn đề này.

304364959_5595928733834744_3830546890754703807_n.jpeg

-Thưa nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển, mọi người thường biết đến ông là người nghiên cứu sâu về đạo Mẫu. Vì sao ông lại quan tâm nghiên cứu Phật giáo và còn chuyển thành những bài giảng cho học sinh, sinh viên?

Thạc sỹ Nguyễn Đức Hiển: Tôi nghiên cứu rất lâu về tín ngưỡng dân gian của Việt Nam, trong đó có nghi lễ thờ mẫu. Nghi lễ thờ mẫu là truyền thống thờ tổ tiên của dân tộc, là đạo lý uống nước nhớ nguồn rất đáng trân trọng.

Đạo Phật dạy chúng ta có tâm tĩnh hơn, không làm điều ác, cố gắng làm những điều lành, giúp đỡ mọi người, bao dung với mọi người hơn. Khi có lòng bao dung, không làm điều ác thì khi nảy sinh những mâu thuẫn, các bạn trẻ sẽ biết kiềm chế, không gây gổ, không đánh nhau, biết nhường nhịn nhau.

Thạc sỹ Nguyễn Đức Hiển

Tuy nhiên, bên cạnh nghi lễ thờ mẫu, tôi cũng nghiên cứu sâu về đạo Phật. Đạo Phật hướng con người đến chân thiện mỹ, từ bi và trí tuệ. 

Cuộc sống vốn đa sắc màu, có cả hạnh phúc và khổ đau. Đức Phật đã sớm nhận ra điều này và người đã quyết tâm từ bỏ cuộc sống giàu sang của một thái tử để đi tìm ánh sáng giúp con người diệt khổ. Ánh sáng đó chính là đạo Phật. Đạo Phật ra đời mang lại tiếng nói yêu thương, giúp mọi người vượt qua khó khăn, khổ đau, có lòng từ bi để con người sống khoan dung hơn, biết trân trọng nhau hơn.

Trong triết lý của nhà Phật có 5 giới là 5 điều cấm kỵ vô cùng ý nghĩa và có thể áp dụng trong giáo dục cho các bạn trẻ rất tốt. Năm giới gồm: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu (chất gây nghiện).

Hiện bạo lực học đường đang là một trong những vấn đề gây bức xúc trong dư luận, khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Trong con người ai cũng có hỷ, nộ, ái, ố, nhưng chúng ta phải giảm tối thiểu chúng như thế nào? Đạo Phật dạy chúng ta có tâm tĩnh hơn, không làm điều ác, cố gắng làm những điều lành, giúp đỡ mọi người, bao dung với mọi người hơn. Khi có lòng bao dung, không làm điều ác thì khi nảy sinh những mâu thuẫn, các bạn trẻ sẽ biết kiềm chế, không gây gổ, không đánh nhau, biết nhường nhịn nhau. Khi các em mở lòng nhiều hơn, bao dung hơn, các em cũng sẽ biết chia sẻ, cảm thông với bạn bè, thầy cô, cha mẹ nhiều hơn. 

310978814_5717444301683186_3542065888020109942_n.jpeg

Đạo Phật dạy chúng ta sống từ bi. Lòng từ bi của Đức Phật bao trùm cả vạn vật. Đạo đức và lòng từ bi là hai vấn đề gốc rễ của cuộc sống. Bất cứ xã hội nào không có lòng từ bi thì xa hội đó không có hạnh phúc. Lòng từ bi giúp cho chúng ta giảm đi tham sân si, vì khổ của con người không đâu khác mà bắt nguồn từ tham sân si. 

Chúng ta không cần phải đi giảng quá nhiều lý thuyết suông mà có nhiều hình thức để chuyển tải. Khi các em được nhìn thấy, nghe thấy và có cảm xúc thì sẽ có tác động mạnh hơn là chỉ giảng giải hay viết lên bảng.

Thạc sỹ Nguyễn Đức Hiển

Chỉ cần áp dụng ngũ giới, năm điều kiêng kỵ của nhà Phật đã rất có ý nghĩa giúp các em giảm đi những điều mang tính bản năng, giúp các em làm chủ bản thân tốt hơn. Điều này rất quan trọng với các em.

-Giảng giải về các vấn đề triết lý, đạo đức vốn không dễ dàng và dễ gây buồn ngủ. Ông làm cách nào để chuyển tải những điều mang tính triết lý hàn lâm như đạo Phật đến học sinh, sinh viên để các em dễ tiếp thu và thấy gần gũi với mình?

Thạc sỹ Nguyễn Đức Hiển: Chắc chắn nếu dạy các em rằng đạo Phật là triết lý sâu sắc và đưa lý thuyết các em sẽ không thích nghe, kể cả người lớn nếu chưa tiếp xúc nhiều với triết lý đạo Phật cũng sẽ... buồn ngủ. 

Vì thế, chúng tôi chuyển tải qua những câu chuyện, những điều gần gũi với các em. Ví dụ, dạy về không nên giết hại các loài động vật, tôi đưa hình ảnh con cò đang sải cánh tự do trên đồng lúa, hình ảnh chim mẹ đang mớm mồi cho chim con, con chó đang chơi với con nó. Đó là hình ảnh cuộc sống bình yên của chúng. Và, các em sẽ thấy không nỡ lòng nào phá vỡ, tước đoạt cuộc sống đang bình yên và đầy yêu thương ấy.

Khi giảng về không nói dối, tôi kể câu chuyện về một học sinh nói dối bố mẹ và gặp những bất trắc mà bố mẹ không biết để đến giúp đỡ kịp thời, không bảo vệ được con. Nói dối khiến người khác mất lòng tin, như câu chuyện kinh điển cậu bé chăn cừu.

05f13f45c3b304ed5da2.jpg

Năm điều kiêng kỵ của đức Phật mở rộng ra rất nhiều. Tôi xây dựng khoảng 20 chuyên đề về các vấn đề gần gũi như “Đi tìm hạnh phúc trong nhân gian,” “Làm thế nào để vượt qua sóng gió cuộc đời?,” “Thế nào là hạnh phúc?,” “Tình yêu đich thực là gì?”… và lồng ghép triết lý của Phật giáo. Chúng tôi cũng tổ chức các khóa thiền, các buổi học Yoga để từ đó các em tĩnh tâm hơn và cảm nhận cuộc sống tốt hơn.

Các phụ huynh cũng cần thay đổi để hiểu con hơn, bao dung hơn, không cố chấp với những lời nói chưa đúng của con, không quá kỳ vọng, không áp đặt bởi điều đó sẽ khiến cho con bị căng thẳng, thậm chí chống đối hay có những suy nghĩ tiêu cực. Chính phụ huynh nên là tấm gương cho con vì họ là những người sẽ ảnh hưởng đến tính cách của con nhiều nhất. 

Thạc sỹ Nguyễn Đức Hiển

Ví dụ chuyên đề “Đi tìm hạnh phúc trong nhân gian,” tôi sẽ bắt đầu bằng việc hỏi quan điểm của các em thế nào là hạnh phúc. Có em nói hạnh phúc là có nhiều tiền, có em hạnh phúc là tình yêu, là gần bố mẹ… Tất cả những điều đó đều đúng vì hạnh phúc với mỗi người có thể khác nhau. Tuy nhiên hạnh phúc đó có duy trì mãi không? Bố mẹ có ở mãi với chúng ta không? Tình yêu có vĩnh cửu không? Khi đó, các em sẽ thấy tất cả những điều đó chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nào đó và nó sẽ chuyển sang trạng thái khác. Trong triết lý đạo Phật, đó chính là vô thường. Khi tôi giải thích cho các em hiểu được về vô thường, thì nếu có xảy ra những điều không mong muốn trong cuộc sống, các em sẽ hiểu đó là vô thường và dễ vượt qua hơn. Các em sẽ học được cách đón nhận những điều đó nhẹ nhàng hơn.

Tôi cũng đưa ra những câu chuyện về chính cuộc đời tôi, những câu chuyện tôi biết để các bạn cùng thảo luận, các bạn cũng thấy được trong đó câu chuyện của chính mình và tôi sẽ gợi mở để các bạn chia sẻ những câu chuyện đó. 

Với những cách tiếp cận như vậy, các em sẽ thấy gần gũi và dễ tiếp nhận hơn. Nếu chỉ viết trên bảng 5 giới là gì, chỉ giải thích về lý thuyết thôi thì các em sẽ buồn ngủ. Chúng ta không cần phải đi giảng quá nhiều lý thuyết suông mà có nhiều hình thức để chuyển tải. Khi các em được nhìn thấy, nghe thấy và có cảm xúc thì sẽ có tác động mạnh hơn là chỉ giảng giải hay viết lên bảng.

Khi tôi đi giảng ở Đại học VinUni về đạo Phật, về ngũ giới, giới định tuệ, tôi thấy các em ngồi im lặng lắm, tôi cảm tưởng hình như các em không muốn nghe. Nhưng sau những phút lắng đọng, các em hỏi rất nhiều. Cuối buổi, một số sinh viên đã ra gặp tôi, chia sẻ rằng các em rất xúc động, rất cảm ơn tôi đã nói được những điều các em băn khoăn. Các em hỏi rất sâu và kỹ về những điều các em còn băn khoăn và chia sẻ câu chuyện của các em. Điều đó nghĩa là các em đã ngấm được bài giảng và với tôi, tôi rất xúc động khi mình đã mang lại giá trị tích cực cho các em.

-Trong các nhà trường cũng có dạy môn Đạo đức, dạy học sinh sống trung thực, hòa nhã, biết yêu thương. Theo ông, đâu là sự khác biệt giữa các chuyên đề của ông và những bài giảng ở môn học này?

Thạc sỹ Nguyễn Đức Hiển: Các nhà trường có dạy môn Đạo đức nhưng để hiểu sâu về triết lý, về Phật pháp, lòng từ bi thì tôi không rõ các nhà trường đã triển khai nhiều chưa. Từ phía cá nhân mình, tôi thấy các bài chia sẻ của tôi với các bạn trẻ rất hiệu quả. 

Giới trẻ hiện nay tính nhẫn nại, chịu đựng, kiên trì rất kém, nên các em gặp khó khăn rất dễ nản và có thể không vượt qua được khi gặp trở ngại. 

310435963_5717444391683177_3205390522170753803_n.jpeg

Các em cũng có cuộc sống tốt hơn, được cha mẹ chiều chuộng nên có em không hiểu hết được những giá trị của cuộc sống, chưa biết trân trọng những điều mà người khác mang lại cho mình, chưa có lòng biết ơn, trân trọng cuộc sống. Nhiều phụ huynh quá chiều con, nịnh ăn, nịnh uống. Điều đó là làm hại con vì ra cuộc đời không ai chiều như vậy.

-Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh luôn là vấn đề không dễ vì những thực tế hàng ngày từ gia đình, xã hội sẽ luôn trực quan sinh động hơn các bài giảng đạo lý. Vì thế, theo ông, làm thế nào để phối hợp chặt chẽ được giữa gia đình, nhà trường, xã hội để những bài giảng về đạo đức ở các nhà trường không chỉ là doping nhất thời?

Đạo Phật dạy con người biết trân trọng từng phút giây hiện tại của cuộc sống, lòng biết ơn, sự kiên trì, tĩnh tại. 

Thạc sỹ Nguyễn Đức Hiển

Thạc sỹ Nguyễn Đức Hiển: Đúng là để giáo dục đạo đức, lối sống, bồi đắp nhân cách cho học sinh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Người xưa thường nói “bàn tay không thể che hết được Mặt Trời.” Tôi nghĩ để thay đổi học sinh ngay không phải dễ bởi tôi được mời đến với tư cách là một diễn giả. Ở một mức độ nào đó, bài diễn thuyết của tôi sẽ tác động đến học sinh. Nếu các em ngấm được bài giảng, các em sẽ có sự thay đổi. Tuy nhiên, nếu em nào sự giáo dục ở gia đình chưa tốt thì một buổi chia sẻ của tôi có thể không có tác dụng nhiều mà phải theo chiến thuật “mưa dầm thấm đất.”

Các phụ huynh cũng cần thay đổi để hiểu con hơn, bao dung hơn, không cố chấp với những lời nói chưa đúng của con, không quá kỳ vọng, không áp đặt bởi điều đó sẽ khiến cho con bị căng thẳng, thậm chí chống đối hay có những suy nghĩ tiêu cực. Chính phụ huynh nên là tấm gương cho con vì họ là những người sẽ ảnh hưởng đến tính cách của con nhiều nhất. 

281887126_5296156040478683_6339877668259788213_n.jpeg

-Ông có thể chia sẻ những kế hoạch sắp tới của mình trong việc đưa những giá trị tích cực trong triết lý Phật giáo đến gần hơn với mọi người, nhất là các em học sinh, sinh viên?

Thạc sỹ Nguyễn Đức Hiển: Hiện tôi mới xây dựng khoảng 20 chuyên đề xung quanh chủ đề 5 giới. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng nội dung hơn như về chánh niệm, giới định tuệ, bát chánh. Bên cạnh các bài giảng dành cho học sinh, sinh viên, tôi cũng xây dựng các bài giảng dành cho người lớn và đã đi diễn thuyết ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương như Điện Biên, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh.

-Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Mai Phạm


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người đưa triết lý đạo Phật đến gần với học sinh, sinh viên