Người Hàn náo nức với ngày Tết Chuseok

Khoảng 25,6 triệu trong số 49 triệu dân Hàn Quốc đang lũ lượt về quê đón lễ Trung Thu, 1 trong hai lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm.
Dịp nghỉ lễ Trung Thu, một trong hai lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Hàn Quốc bắt đầu từ hôm nay (2/10).

Từ 8 giờ sáng, đường phố Seoul vắng lặng, thỉnh thoảng có vài chiếc taxi, xe buýt vội vã lướt qua. Seoul ồn ã ngày thường đã lùi lại đằng sau bởi điểm nóng giờ đây đã chuyển về các trục đường cao tốc hướng ra ngoại tỉnh.

Chuseok - cuộc hành hương lớn nhất trong năm

Bản tin giao thông sáng ngày 2/10 cho biết tình trạng tắc nghẽn đã diễn ra tại hầu khắp các tuyến đường cao tốc, đặc biệt là đường cao tốc Gyeongbu nối Seoul với thành phố Pusan lớn thứ 2 ở miền Nam.

Từ chiều tối ngày 1/10, nạn tắc xe trên các đoạn đường cao tốc đã bắt đầu cùng với cuộc di chuyển lớn nhất trong năm của các gia đình Hàn Quốc về quê.

Bộ Đất đai, giao thông và các vấn đề biển cho biết dự kiến sẽ có khoảng 25,6 triệu lượt người trong tổng số 49 triệu dân Hàn Quốc tham gia cuộc hành hương trở về cội nguồn này.

Mùa Trung thu năm nay, người Hàn Quốc được nghỉ ít hơn do ngày lễ trùng vào ngày nghỉ cuối tuần. Vì thời gian nghỉ ngắn nên theo Ủy ban phụ trách các vấn đề giao thông, mật độ tập trung trên các tuyến đường sẽ càng cao hơn.

Dự kiến, thời gian di chuyển từ Seoul xuống Pusan bằng ôtô sẽ mất khoảng 9 tiếng thay vì mức thông thường từ 4 đến 5 tiếng. Các cơ quan chức năng cũng cảnh báo rằng dịch cúm A/H1N1 cũng có nguy cơ bùng phát cùng với dòng người di chuyển đông đúc trong dịp nghỉ lễ.

Mặc dù Hàn Quốc đã xác nhận 11 trường hợp tử vong vì cúm A/H1N1 nhưng đi trên những tuyến phố tấp nập, dưới tàu điện ngầm chật cứng người, chỉ lác đác một vài phụ nữ có mang hay các cháu nhỏ dùng khẩu trang. Người dân Hàn Quốc vẫn vô tư và hồ hởi đón Trung Thu.

Cho dù suy thoái kinh tế cũng làm người dân xứ sở Kim chi này phải thắt lưng buộc bụng, nhưng mua sắm, quà tặng trong dịp lễ cũng không vì thế mà giảm.

Theo thống kê của các siêu thị, xu hướng quà tặng năm nay có thay đổi theo hướng thực dụng hơn. Các món quà gắn với truyền thống như "Hanqua" (các món bánh, bỏng ngô, mứt...), hay đồ uống, bánh "teok" (bánh trung thu làm bằng bột nếp) bán chạy. Các thực phẩm vệ sinh, tăng cường kháng thể cũng được đặt mua với số lượng lớn.

Chuseok và khẩu hiệu "cùng chia sẻ"

Chuseok trong quá khứ có tên gọi là Hangawi và trở thành ngày lễ cúng tế phổ biến trong dân gian từ triều đại Shilla (năm 27 trước công nguyên đến năm 935 sau công nguyên).

Từ Hangawi được cho là bắt nguồn từ chữ Gabae. Trong triều đại vua Yurri (AD 24-57) thuộc vương triều Silla, nhà vua đã tổ chức cuộc thi dệt vải giữa hai đội kéo dài suốt một tháng và ngày rằm tháng 8 âm lịch là thời điểm công bố đội thắng cuộc.

Chính vì vậy mà ngày nay, người Hàn Quốc thường tổ chức buổi lễ cúng chính của dịp Chuseok vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm. Đội thua cuộc sẽ phải cống rượu, thức ăn và múa hát cho bên thắng cuộc.

Buổi lễ này có tên là Gabae có nghĩa trung, giữa nhằm chỉ ngày 15 của tháng 8, đồng thời cũng có nghĩa là giữa mùa Thu. Nghi thức cúng lễ này được tiếp tục đến tận triều đại Goryeo và phát triển thành ngày lễ Chuseok hiện nay.

Tết Chuseok với người dân xứ Hàn có tầm quan trọng đặc biệt vì vậy mà họ chuẩn bị rất chu đáo cho ngày lễ. Nhân dịp này, những người trong gia đình, bạn bè thân thiết tặng quà cho nhau để thể hiện tình cảm.

Nhân dịp này, chính phủ, các tổ chức xã hội cũng quan tâm, tặng quà những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trợ giúp kinh phí cho những người nghèo không có khả năng về quê ăn Tết.

Cho dù ý nghĩa truyền thống của Trung Thu cũng biến đổi dần cùng với tiến trình công nghiệp hóa và chủ nghĩa cá nhân ngày một thịnh hành nơi đô thị, nhưng người Hàn Quốc vẫn giữ được Trung Thu với hai ý nghĩa truyền thống là để tạ ơn tổ tiên đã ban cho một vụ mùa bội thu với những sản vật phong phú và là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp.

Năm nay, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động mạnh mẽ đến các quốc gia, trong đó có Hàn Quốc. Khẩu hiệu của mùa Trung Thu năm nay là "hãy cùng chia sẻ" bởi người dân ở đây cũng có câu "niềm vui được nhân lên khi có người chung vui và nỗi buồn cũng vợi đi khi được sẻ chia"./.

Khánh Vân/Seoul (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục